CUỘC ĐỜI CHO TA TỰ VẼ CHÂN DUNG

Tia nắng cuối cùng cũng vừa ngã tắt trên những nẻo đường thành phố, nhường chỗ cho ánh hoàng hôn lặng lẽ tìm về.

Đây đó, phố phường bừng lên những ánh đèn lung linh. Và trên những nẻo đường ấy, dòng người mỗi lúc một đông. Một góc nhỏ tại khuôn viên chùa Phổ Quang, những đứa bạn tiếp tục những giây phút bái Phật nguyện cầu. Ngoảnh mặt nhìn trời đất bao la, thầm cảm ơn một ngày thành tâm trọn vẹn. Nắng trong vắt một màu như bù lại những hôm trước bất chợt những cơn mưa. Để cảm ơn Trời Phật ban cho một ngày Vu Lan an lành, hạnh phúc!

Người người đến từ mọi nơi, trái cây trong túi, nhang đèn trên tay. Mỗi người cùng với tấm lòng thành kính, nguyện ơn trên ban phước lành cho cha mẹ, ông bà tổ phụ. Thế là có một dịp lễ Vu Lan vui như trẩy hội dưới những mái chùa, văng vẳng cùng tiếng kệ lời kinh. Bốn hướng, xung quanh ập vào mắt, vui cái vui trần gian như chung một món quà, sẻ chia cho trăm món.

Lại nhớ đến một ngày an nhiên, thanh thản, trên hết là tinh thần thiện nguyện của những tấm lòng mang tên “Tứ Ân Ca”, cùng những khoảnh khắc tuyệt vời nơi vùng đất Lê Minh Xuân nửa thành thị mà cũng nửa chân quê, nơi có mái chùa Bát Bửu Phật Đài mà người đời quen thuộc với tên gọi “Phật Cô Đơn”. Phát tâm ngẫu hứng, không là sự tùy duyên mà là một tinh thần thiện nguyện trọn vẹn, không chần chừ, không chút do dự… tất cả anh chị em chúng tôi đã có mặt tại đây cùng năm mươi phần quà gần một tiếng đồng hồ bon bon xe máy, làm bạn cùng gió cát bụi đường, len lỏi qua những con đường còn chút nham nhở. Chùa Phật Cô Đơn sáng Vu Lan đông thật đông những người con của Phật, già trẻ trai gái rạng rỡ những tấm lòng thành kính thiết tha.

Chùa Phật Cô Đơn – nơi có những truyền thuyết khác nhau về tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với sự linh thiêng màu nhiệm. Đức Phật hiền từ, đôi mắt dõi nhìn ban phước lành cho tất cả chúng sinh để người người nương tựa nhau trên cõi đời này, để sắc thắm sen hồng khẽ lay động mỗi mùa Vu Lan, Phật Đản… Cũng như bao người, anh chị em chúng tôi nguyện cầu Đức Phật cho những hỷ lạc hoan ca cuộc sống, cho mẹ cha mạnh khỏe bình an, cho dân tộc Việt Nam trường tồn, độc lập.

Phút sẻ chia những món quà từ sự quyên góp từ tâm từ những ngày trước đó, nhóm Tứ Ân Ca chúng tôi khởi đầu là việc phát phiếu nhận quà. Len lỏi giữa dòng người đông nghẹt, anh chị em chúng tôi cố gắng nhận ra những người già yếu mưu sinh từ việc bán nhang, đậu phộng hay những cọng rau chỉ “có mặt” nơi vùng đất phèn này, trao cho những lá phiếu nhận quà cùng lời lẽ nhẹ nhàng tôn kính: “Tụi con có phát quà, bà cầm phiếu này, lát nữa mười giờ rưỡi ra cổng mới, nơi khuôn viên Phật A Di Đà để nhận quà nha!” Cầm lá phiếu trên tay, chúng tôi nhận ra sự cảm ơn chân thành từ những người bà, người dì khiến chúng tôi không khỏi xúc động vui mừng như thể đã làm được một việc gì thiêng liêng nhất, quý báu nhất! Thương nhất lúc này là hình ảnh một người dì chạy theo sau chúng tôi xin phiếu khi được một người khác chỉ dẫn mà trước đó chúng tôi không nhìn thấy. Đến nơi, người dì hổn hển thở “mệt quá… mệt quá…”. Thương dì pha chút gì đó xót xa, chúng tôi tặng dì một phiếu. Móc trong túi ra một chai nước suối đã uống dang dở, tôi mời dì uống cho đỡ mệt mà cảm nhận thương dì vô cùng, thoắt lại thấy có lỗi vì chai nước đã uống dở dang. Khái quát lên, tôi cũng như các anh chị em trong nhóm thương cảm những phận đời nghiệt ngã. Một phiếu sẽ nhận được một phần quà, giá trị có đáng là bao so với nhiều người nhưng đó có thể là bữa cơm trong ba ngày liền của những mảnh đời cơ nhỡ. Thương con, mẹ vất vả từ sớm tinh mơ nơi góc cửa chùa, tảo tần bán buôn vài tờ vé số, vài gói nhang… Chạy một đoạn đường rồi thở hổn hển, có thể nguy hại sức khỏe nhưng biết phải làm sao! Chỉ vì cái nghèo, cái khó trên vai…

Tiếp đến, những phần quà được phát ra. Niềm hạnh phúc như vỡ òa không chỉ riêng người nhận mà còn là ở người cho. Cho và nhận như không còn khoảnh cách, như thể tan ra, quyện vào nhau để những tấm lòng san sẻ những tấm lòng, yêu thương đan xen, hòa lẫn. Một hình ảnh khác khiến chúng tôi không khỏi xót xa… một người già vịn một người già chỉ vì một phần quà bé nhỏ. Đôi chân trần trên nền gạch sỏi giữa cái nắng ban trưa, bà bước đi như là chuyện nhỏ so với cái tuổi gấp trăm lần chuyện nhỏ ấy. Cầm phụ bà phần quà rồi cùng người bà đi cùng, hai người vịn hai bên dìu bà đi, tôi khẽ hỏi bà: “Sao bà không mua đôi dép để mang?”. Bà hồn nhiên đáp cùng tôi: “Nghèo quá! Với lại mang dép đi không nổi”. Tội và thương bà, tôi không biết nói gì hơn, chỉ cầu mong cho bà hay những người bà mà tôi tận mắt chứng kiến sáng nay đừng cơ cực nữa mà thôi!

Như Đức Phật đã từng dạy: “Làm việc thiện không mong được biết, không đợi được trả ơn, mà phải cảm ơn ông bà ca mẹ đã sanh ra mình với lòng từ sẵn có, cảm ơn người nhận bố thí trên tay mình bằng đồng tiền lương thiện mà mình có được.” Sáng Vu Lan cùng những phần quà trao tặng những người già nghèo tại chùa Phật Cô Đơn, anh chị em chúng tôi ngập tràn bao cảm xúc, vui có mà buồn cũng có. Một buổi thiện nguyện đọng lại biết bao điều phải nghĩ suy. Đôi khi chỉ là lời cảm ơn: “Bà vui quá! Quý quá! Cảm ơn ơn thật nhiều! Chúc con có nhiều sức khỏe!” mà cô bạn đi cùng đã kể lại cùng tôi mà rưng rưng giọng nói.

Rời khỏi chùa Phật Cô Đơn khi nắng trưa đã bắt đầu gắt. Nhóm bạn chúng tôi tạm biệt vùng đất phèn Lê Minh Xuân cùng những người bà, người dì chẳng biết sắc thắm hoa hồng có còn cài trên ngực áo mỗi mùa Vu Lan về hay không mà thể trạng đã dần nhạt phai theo năm tháng đi kèm cuộc đời vẫn còn đó những phong ba cơ cực. Tiếp tục hành trình buổi lễ Vu Lan, nhóm chúng tôi cùng tham gia lễ Quy y Tam Bảo của một cô bạn tại chùa Quan Âm. Chợt nhớ ngày tôi Quy y tại chùa Viên Giác dịp Phật Đản vừa qua, pháp danh Giác Ân tôi đã được Thầy đặt cho, từ đó trong tôi như “khởi nguồn” một tinh thần thiện nguyện. Mùa Vu Lan này là dịp đầu tiên tôi khắc vẽ một chân dung cho chính mình, chan hòa bao hạnh phúc chung riêng…

Vu Lan 2014
Ngày 10 tháng 08 năm 2014

Minh Thi – PD Giác Ân.