Hơn một cuộc đời, Má lại mồ côi!

Vẫn là đêm, tôi ngồi cạnh Má trước chiếc ti vi – cái “phông cảnh” quen thuộc của mỗi ngày. Bất chợt, Má khẽ nói cùng tôi: “Má nhớ Ngoại quá!” Tôi lặng người, chẳng biết nói gì rồi quay sang nhìn người Má kính yêu. Thoắt, lại có cái giụi mắt lặng thầm giao thoa cho bao ngẫm nghĩ: “Nhanh thật! Mới đó đã hơn một tuần. Một tuần Ngoại đã lên đường cho cuộc dạo chơi xa xôi, vô tận.” Phải chăng không gian lẫn thời gian như chợt níu kéo tâm cảm hai Má con giữa đêm bàng bạc cơn gió thoảng nhẹ ngoài sân lúc trời đương hạ, ấy vậy mà gần như vô đổi, sự hụt hẫng tựa như mới hôm qua. Tôi lại nhìn Má – người con gái của Ngoại đã hơn một đời người, trên mái tóc đã điểm bạc mồ côi. Và rồi… những nỗi nhớ niềm thương thấm vào lòng đất côi cút. Không biết nỗi đau này là của hôm qua hay hôm nay, chỉ có sự rời xa những người yêu thương cứ nối dài, không ngưng nghỉ…


Ông Ngoại mất sớm khi Má còn rất trẻ. Trong ký ức của Má, ngày Ông Ngoại mất đúng vào ngày Đức Phật thành Đạo – mồng 8 tháng Chạp. Ông ra đi nhẹ nhàng nhưng đã thức dậy trong Má những năm tháng nhớ thương da diết. Từ đó đến nay, hai đấng sanh thành, Má tôi chỉ còn một, đó là Bà Ngoại. Đã một lần, Má đã mồ côi.

Năm tháng dần trôi qua, mỗi năm Má luôn nhớ ngày giỗ Ông Ngoại cùng bao khoảnh khắc về Ông. Song song, Má vẫn không quên cận kề bên Bà Ngoại. Có gia đình riêng, nhưng Má luôn có những ngày trong tuần dành riêng cho Bà Ngoại, cho những đứa em – là các Dì, các Cậu của tôi. Tiếng “Vú” ngọt ngào thay cho tiếng “Mẹ” mà Má, các Dì, các Cậu tôi thường gọi Bà Ngoại thấm đẫm những gì yêu thương nhất, trân trọng và tôn quý nhất. Đấy như ngôn từ đẹp nhất để san sẻ những mất mác đau thương ngày rời xa Ông Ngoại cho đến nay.

Má chưa một lời hỗn hào với Ngoại cũng như Ngoại không bao giờ la mắng Má. Bởi, tình mẹ con thiêng liêng cao quý, không chỉ ở cách thức hành động mà còn ở ngôn ngữ đôi môi. Đôi khi Má kể tôi nghe về Ngoại với những lời lẽ của sự yêu thương cùng niềm tự hào, hãnh diện. Ngoại nhân hậu, bao dung… Có lẽ những trầm luân phận người Ngoại gánh vác mà Trời Phật thương, phù hộ cho những đứa con của Ngoại luôn bình yên trong cuộc sống, người thành tài, người có địa vị trong xã hội… Ngoại buôn gánh bán bưng từ những ngày còn trẻ. Suốt quãng đường cơ cực vô hình đã định hình bao hạnh phúc cho một mái ấm gia đình. Và trong tình yêu thương ấy, như thể mỗi thành viên tan ra để sự Cho và Nhận không còn khoảng cách. Với Ngoại cũng như mọi người mẹ trên khắp thế gian này, luôn tâm niệm sống hữu ích, mỗi phút mỗi giây tiếp năng lượng cho hành trình cuộc sống của các con với sự dẻo dai, bền bỉ, can trường, tận tụy… là mồ hôi, là nước mắt, là tóc bạc. Cuối đời chỉ mong là tình thương, là hạnh phúc của các con, không gì khác.


Chợt, tôi lại nhớ những ngày thu trăng tròn vằng vặc. Đấy cũng là khoảng thời gian hình ảnh trái hồng luôn ắp ủ trong tâm trí Má. Má lựa những trái hồng trông thật đẹp, có vẻ ngon, một phần Má dâng lên cúng Phật, một phần Má dành riêng cho Ngoại. Ngoại tôi rất thích ăn hồng. Trái hồng dẻo, ngọt vừa, mỗi lần thưởng thức là mỗi lần Ngoại tấm tắc khen ngon. Thấy Ngoại vui, Má cũng vui.

Rồi những ngày Ngoại đau yếu phải nằm bệnh viện, Má, các Dì, các Cậu lần lượt luân phiên trông Ngoại. Nhớ một lần Má trông Ngoại qua đêm, phút ngủ quên, Ngoại lấy chiếc khăn như cố gắng đánh thức Má dậy giúp Ngoại đôi điều. Về nhà, Má kể mọi người cùng nghe, pha lẫn vào đó là tâm trạng thương thương và tội Ngoại biết dường nào của Má. Lẽ thế cho nên, Má vẫn thường hay nói: “Má của mình, có cực mấy cũng chịu!”. Nhưng thời gian cứ mãi vô tình trôi đi không ngưng nghỉ, Ngoại mỗi lúc một già, sức khỏe mỗi lúc mỗi yếu thêm là đứa con gái lớn của Ngoại cũng dần “nhạt phai” thể trạng theo năm tháng. Tóc bạc đi cùng tóc bạc, vết nhăn song hành những vết nhăn. Vẫn là chiếc giường giữa bốn bức tường trắng toát nên góc phòng bệnh viện, hai má con như có dịp gần nhau hàn huyên cùng bao nỗi niềm sâu lắng như thuở ngày nào. Ngoại hồn nhiên bao hồi ức cùng những xúc cảm, lại thỉnh thoảng hỏi và mừng vui về những đứa con, cháu ngoại của Má.

“Chùa xa vẳng tiếng chuông ngân, Vu Lan khói tỏa hương trần gian bay. Mắt im lắng giọt cay cay, Tưởng như đang giữa vòng tay ấm nồng. Tưởng còn được mẹ ẵm bồng, Lần đưa tiễn ở bến sông ngày nào. Mùa xưa nước lũ dâng trào, Mùa nay nước mắt nghẹn ngào rơi rơi. Mẹ đâu còn nữa... Mẹ ơi!” (NT.Khánh An. Đưa con).

Một trưa nắng hạ, Ngoại đã ra đi. Điện thoại cho tôi, Má tôi nghèn nghẹn… “Bà Ngoại mất rồi con.” Cứ thế, tang Ngoại diễn ra gần năm ngày liền, những cơn mưa giữa ngày nắng hạ như trút nước. Trong những ngày đó, khi Má khỏe, lúc Má lại mệt bởi những căn bệnh huyết áp, bao tử… Ngày đưa Ngoại về cõi vĩnh hằng, giữa dòng người, theo sau chiếc quan tài, Má luôn khấn vái: “Vú ơi! Vú phù hộ cho con khỏe để con đưa Vú đi!”. Trọn một ngày đường, Má thật sự bình an, tất cả là Ngoại phù hộ.


Và những ngày cúng thất tại chùa Tây Thiên, trước Tam Bảo, những hồi kinh kệ, Má cùng cả nhà khấn nguyện Đức Phật phù hộ cho Ngoại sớm về miền cực lạc. Bàn thờ Ngoại phía sau chánh điện ngày ngày là hoa, là quả, là những nén hương khói tỏa quyện những tâm hồn con cháu luôn hướng về người mẹ, người bà kính yêu. Ngày cúng thất thứ bảy, phút Má lặng người một mình trước bàn thờ Ngoại, chạm tay vào hũ cốt của Ngoại thật lâu như muốn vuốt ve lại thân thể người mẹ, ôm chặt vào lòng tình mẫu tử thiêng liêng da diết. Cứ thế, tôi cũng lặng người, đôi mắt dõi nhìn theo Má…

Mùa Vu Lan lại về, len lỏi tiết thu chớm quạnh quẽ mưa rơi, đan quyện là những nỗi nhớ về Ngoại của Má. Mùa Vu Lan đầu tiên Má không còn Ngoại để yêu thương, tôn kính tiếng “Vú” sớm hôm, để được cận kề những ngày cuối tuần Má hay về Ngoại. Mùa hồng lại về, mùa hồng đầu tiên Má không còn được nhìn thấy Ngoại móm mém rồi tấm tắc khen ngon, thay vào đó là đĩa hồng giữa bàn thờ hương khói. Hơn một cuộc đời, Má lại mồ côi…


Vu Lan 2014
Ngày 06 tháng 8 năm 2014