Nhịp đời


NỢ NHÂN SINH
"Cả cuộc đời nặng nợ nhân sinh,
 nợ cũ chưa kịp trả lại vay thêm nợ mới.
Những món nợ khiến lòng ta thêm trong trẻo, 
thêm yêu thương, thêm sức sống" 

1. Tháng 03.2011, sau bao năm dài đăng đẳng, phút chốc tôi trở lại nơi mà ngày xưa từng "nhất sinh thập tử". Sáng thức giấc, trong người cảm giác khó chịu, rồi cái bụng mỗi lúc mỗi đau, đau âm ĩ rồi lẩm bẩm cùng cái miệng: "Trời ơi! Đau bụng quá!" Lúc ấy, trong nhà chỉ có hai người ngoài tôi: Chị Hai và Ba tôi. Ba tôi thì ở trên lầu cùng những nếp quen buổi sớm của ông. Chị Hai thì vẫn chưa thức giấc sau khi đã chợp mắt lần hai do thức sớm đưa thằng cháu đi học. Còn Má tôi thì từ sớm đã rời khỏi nhà, lên cùng Chị Tư trông nom phụ hai đứa cháu. Trời lành lạnh, đã đau bụng, cảm nhận tiết trời càng lạnh hơn. Đi bộ một đoạn đường không dài, tôi đến tiệm thuốc tây mua ngay liều thuốc. Về nhà, bắc một ấm nước nhỏ đun sôi, dùng lấy uống thuốc, trong tôi chỉ mong một điều... nhanh chóng thoát khỏi cơn đau!

Thế mà, vẫn mỗi lúc mỗi đau thêm. Rồi tự dưng khó chịu, thế là nôn ói. Chút động giữa gian nhà tĩnh lặng, Chị Hai thức giấc. Tôi khẽ cùng chị để tôi đến bệnh viện khám. Chị Hai không yên tâm, liền gọi điện cho Má. Tích tắc mười phút hơn, Má tôi trở về. Bấm điện thoại gọi ngay một chiếc taxi, hai má con cùng lên xe, dặn bác tài: "Chở dùm ra bệnh viện Nguyễn Trãi nha chú!"


Lên xe, tôi ngồi im thinh thít. Má thì nắm tay tôi rồi đưa tôi miếng gừng nhai cho ấm bụng mà Má kịp chuẩn bị trước đó. Hai mươi phút sau, xe dừng trước phòng cấp cứu bệnh viện. Hai Má con lần lượt bước xuống. Tôi thì được chỉ dẫn lên giường nằm chờ bác sĩ, Má tôi thì lo giấy tờ cùng tiền bạc cho việc đăng kí. Không gian phòng khám... một màu trắng bao trùm, từ bức tường đến tấm drap trải giường hay chiếc blouse trắng của mỗi vị bác sĩ nơi đây gợi trong tôi bao kí ức về lời kể một thuở bé thơ: Cơn sốt xuất huyết tưởng chừng đã thôi không cho tôi biết được cuộc đời, biết được tấm lòng người mẹ kính yêu cùng chân tình bao người thân thuộc. Trôi theo lời kể đêm nào khi má con quây quần bên nhau là hình ảnh người chị thương đứa em bệnh hoạn nhỏ nhoi, chui "lỗ chó" vào bệnh viện chỉ vì nôn nóng cùng mẹ cha. Bởi, khi ấy Chị Ba còn quá nhỏ, bảo vệ chẳng cho vào nên phải đành như thế! Vào được rồi, người chị thay Má trông em, đêm tối thì giặt khăn, chẳng chút sợ bởi... màn đêm bệnh viện, mặc nhiều người rũ rĩ bảo nhau là... "có ma"! Ánh đèn leo loét của cái thời cơm áo gạo tiền chẳng đủ chẳng dư. Nuôi con nằm bệnh, chiếc bánh giò là thức ăn quen thuộc của mọi người, không chỉ vì dễ ăn mà còn rẻ tiền hơn rất nhiểu một dĩa cơm. Má còn kể, để chạy tiền chữa bệnh cho tôi, đó còn là chiếc nhẫn nhỏ xíu trên tay của người dì. Chẳng hề ngần ngại phân vân, dì tôi cởi liền tay đưa Má đi bán để có tiền cho tôi "vô nước biển". Má kể rồi bộc bạch, Má thương dì không chỉ dì là em, mà thương dì vì dì đã cứu con của Má. Má dặn tôi: "Sau này lớn lên, làm có tiền nhớ lo cho Dì Nga!"

Trở lại cùng bệnh viện cho cơn đau bụng sáng nay, bác sĩ chẩn đoán "sốt phát ban", thế là tôi nhập viện. Cô điều dưỡng nhanh chóng lấy một chiếc xe lăn, bảo tôi ngồi và đẩy tôi đến phòng bệnh. Chưa hết, cô còn đưa Má tôi một chiếc dù che cho tôi vì sợ nắng do phải băng qua một khoảng sân lớn. Đến phòng bệnh, vô nước biển, cứ thế Má ngồi trông tôi cả một ngày trời. Lên xuống ba tầng lầu, Má còn mua cháo cho tôi lót dạ. Tôi nằm, Má ngồi... sao giống như câu ca à ơi, chỉ khác biệt không là nhà tranh vách lá, để những giọt mưa vắn dài rơi rụng giữa đêm thâu. Tôi kêu Má nằm cùng tôi một phía bên giường cho đỡ mỏi lưng, Má lại bảo: "Con nằm đi!"

Trời về chiều, Má phải về lo cơm nước cho cả nhà và đã căn dặn tôi đủ điều: nhớ ăn cháo và uống thuốc. Một cơn mưa đổ xuống, nhìn ra khung cửa qua lan can bệnh viện, tôi biết Má đã mắc mưa. Cơn mưa chiều thoắt chốc se lạnh cho những phút giây dài đăng đẳng tại bệnh viện. Ấm lòng cùng đêm, ba đứa bạn thân Thành, Thủy, Nguyên đã kịp đến, "tám" cùng tôi như dần xóa khoảng không trống vắng cùng thời gian vô tình đăng đẳng. Thằng Hải thì chút bận bịu, gọi điện hỏi thăm; ngày tôi xuất viện vội mua liền một kí nho Mỹ gần hai trăm ngàn cho lời nói buộc miệng bảo vui của tôi khi nó hỏi: "Muốn ăn gì?". Rồi chị Tuyết Mai - người chị tổ trưởng kính yêu vào thăm, dúi vào tay tôi một phong bì mặc cho tôi từ chối cùng lời lẽ khẳng khái đến nao lòng: "Chị là chị của em!"

Một ngày ở bệnh viện, trời vừa tờ mờ sáng là Má tôi cũng vừa đến cùng tôi. Má bảo: "Suốt đêm Má không ngủ được". Nghe mà tôi cảm thấy thương Má hơn gấp triệu lần, cảm nhận một bầu trời hạnh phúc đang tỏa ánh dương ấm áp cả cuộc đời. Má lại bảo tiếp: "Cũng may, mấy hôm nay Má khỏe trong người". Thoắt chốc tôi lại thấy vui vui, thầm cảm ơn Trời Phật đã phù hộ cho Má được khỏe mạnh, bình an. Quan Âm Các... ngày xuất viện, tôi đã nguyện cầu. Và như thế, tôi đã mắc nợ những lời cầu nguyện, mắc nợ những chân tình, mắc nợ người Má kính yêu về một cuộc đời vốn dĩ không chỉ là màu xanh...

2. Bốn tháng sau, đang loay hoay cùng công việc, người chị Tổ phó hớn hở báo tin vui: "Mấy đứa được kí hợp đồng chính thức rồi đó, loại không xác định thời hạn". Nghe chị báo tin mà vui, như trào dâng hạnh phúc trong lòng. Ngẫm nghĩ, hơn bốn năm gắn bó cùng nghề "làm dâu trăm họ", phần thưởng xứng đáng rốt cuộc đã sở hữu trên tầm tay.

Chợt nhớ, trong ngần ấy thời gian, một đoạn đường gian nan, phấn đấu không ngơi nghỉ. Ngày ngày trôi qua, đôi tay đã cùng bao người miệt mài cùng công việc dưới mái nhà Co.op Mart này, bắt đầu hay kết thúc, như chưa từng có điều đó. Trải nghiệm, mới nhận thức những đồng tiền làm ra từ sức lao động chân chính, quý báu là bao! Cuộc sống ngày càng khó khăn nhưng dường như mọi người luôn rộng mở tấm lòng, tiến bước cùng con đường mà mình đã lựa chọn.

Song, cả thảy là những chân tình cho bao kinh nghiệm trao tay, những tấm lòng không đố kỵ, ganh ghét. Tôi thương người chị Tổ trưởng bao phen là điểm tựa cho những hy vọng lẫn niềm tin để những đứa em trong nghề càng tiếp tục phấn đấu, minh chứng bản lĩnh của chính mình, vững bước trên đoạn đường không bằng phẳng mà lắm chông chênh. Mỗi tháng, trong từng cuộc họp, "điệp khúc" của chị về chúng tôi mãi lặp đi lặp lại, có thể nhàm tai với người khác nhưng lại là ngọn lửa mãi rực cháy trong mỗi chúng tôi. Ngày chúng tôi kí hợp đồng, một lời chúc giản đơn của chị "chúc mừng em nha" để tôi mãi khắc ghi: nhờ chị, nhờ chị mà tôi như bao bạn khác có được ngày hôm nay! Giây phút hạnh phúc, chị lại lặng lẽ một góc, thương chị biết chường nào!

Chưa hết, đó còn là người anh mà mỗi lúc vu vơ hờn giận, tôi chẳng muốn nói chuyện cùng, chỉ nhớ đến anh cùng câu nói: "Nghe tin em kí hợp đồng, anh mừng đến nỗi ngủ không được". Tôi lại nhìn anh những lúc thanh thản, gợi nghĩ... trong cái chung vô hình cái riêng cho những việc làm, dường như tôi biết ơn anh rất nhiều - người anh Chủ tịch Công đoàn...

Và... kí hay không kí hợp đồng, tôi vẫn phải "đối mặt" cùng công việc. Những công việc mà tôi được học hỏi từ rất nhiều "những người thầy" quý yêu! Chị Diễm Phi mãi là "cố gắng lên Thi, em làm được mà!". Hay chị Tuyết Loan luôn "bênh vực" tôi những khi bất bình xuất hiện. Gắn chip, dán tem, nhờ chị Ngọc Cam mà tôi thành thạo. Khi chuyển từ ngành hàng may mặc sang Đồ dùng thì chị Phan Thị Phượng, chị Liên, chị Thảo Hột Xoàn... lại là "những người thầy mới" ân cần bên tôi. Tôi thương, tôi cảm ơn các chị! Và như thế, tôi nợ các chị về con đường nghề nghiệp trong tôi.

3. Sài Gòn, những ngày cuối năm, trời se lạnh. Mấy đứa bạn thân í ớ rủ nhau tập trung trước sân nhà rồi rủ nhau vui Giáng sinh trước một ngày cùng tôi.

Đầu tiên là Hy Phú - đứa bạn thân gần hai năm trời mới gặp gỡ. Ngày gặp lại, chí ít tôi và bạn chút "già dặn" hơn xưa. Thế mà, tôi vẫn là người được "ưu tiên" cho những cuộc dạo phố như những ngày xưa quen thuộc. Cũng với "tay lái" này, tôi đã biết đó biết đây, những nẻo đường trên mảnh đất Sài Gòn gắn liền với kí ức tuổi thơ mà hơi "quê mùa" do chẳng rành những lối đi, góc phố. Sài Gòn đẹp, Sài Gòn xinh, Sài Gòn là những chân tình bè bạn quyện thắm cho "cơ duyên" cuộc đời.

Tôi nhớ đến Siêu Thành lắm đỗi vui mừng trong ngày hôn lễ, không chỉ vì cưới được người bạn đời ưng ý mà còn vì... sự hiện diện của chúng tôi. Cuối buổi tiệc, "chú rể" như muốn khóc do quyến luyến, chẳng muốn chia xa cùng đám bạn. Nghĩ rằng, chân tình sâu đậm lắm, Thành mới thế! Thành hay nói "fondau forever" để rồi phương châm ấy, quan niệm ấy, Thành luôn sẵn sàng "tốt" cùng bè bạn. Một đêm mưa, khi xe tôi chết máy, Thành đã từ nhà chạy ra nơi tôi làm, tận đường Điện Biên Phủ đẩy hộ chiếc xe dùm tôi. Mồ hôi pha cùng nước mưa, quán cháo trắng hột vịt muối khi ấy là nơi nghỉ mệt dừng chân của hai thằng bạn tuổi Nhâm Tuất. Ngon, lạc và cũng lắm đậm đà!

Hay với thằng Hải, ghé nhà tôi cùng một bịch chè ba màu trên tay. Phút ngẫu hứng ngoài đường, nó chợt nghĩ và mua cho tôi món khoái khẩu này. Rồi những khi trống vắng, chính thằng bạn là niềm an ủi đơn côi. Có lẽ, hai đứa chưa có "bạn gái" nên tranh thủ "tình bạn" cùng nhau. Cùng đi nhà sách, dạo những hàng quán để đời thêm vui, thêm màu hồng của cuộc sống.

Vui đêm Giáng sinh, cả đám quây quần bên nhau, bên bếp lẩu cá kèo cho lòng bớt lạnh. Quán "Sài Gòn xưa và nay", cả đám thẳng tiến từ quận 6 ra quận 1, hít bụi hửi khói xe như "thông lệ" ra đường ngày lễ. Tất cả chỉ vì tình bạn. Tình bạn không bao giờ phai nhạt đã hơn mười năm qua.

Vui say, đó còn là giây phút cùng nhau... "cà phê bệt" bên hông nhà hát Thành Phố cho những niềm vui, cho những khoảnh khắc giao mùa những ngày cuối năm. Niềm vui tựa nợ ân tình, may mắn tôi đã trót nhận từ những người bạn quý yêu!

*
Sáng thức giấc, tôi lại tiếp tục cùng công việc. Đi bán hàng lưu động tại huyện Cần Giờ có mệt do đường xá nhưng bù lại là những niềm vui. Bà con nghèo hân hoan chào đón, rồi cùng nhau lựa chọn những món hàng. Cảm nhận, phải chăng hơi thở hạnh phúc tin yêu đang phả quanh vùng đất Cần Giờ còn lắm nỗi khó khăn để khi dọn hàng ra về hơn mười một, bà con hỏi khẽ: "Sao dọn sớm vậy?" Nợ cuộc đời, nợ những món hàng hay nợ những niềm tin? Cứ thế, hàng tháng, chúng tôi lại đến đây để "thỏa mãn" nhu cầu mua sắm. Như một "mini Co.op Mart" giữa lòng quê...


*
Tối nay, Chị Ba gọi điện về thăm nhà. Nỗi nhớ nhà pha lẫn cùng câu chuyện, tiếng cười giọng nói của người chị nơi phương xa. Tết này, Chị Ba vẫn chưa về được nhà nhưng vẫn đau đáu niềm thương cùng tấm áo, chiếc quần của những đứa em. Thương Chị Ba vẫn xa nhà, thương Chị Ba bé nhỏ như hạt tuyết giữa nước Mỹ mà chạnh lòng mỗi dịp xuân sang!

***
"Cả cuộc đời nặng nợ nhân sinh, nợ cũ chưa kịp trả lại vay thêm nợ mới. Những món nợ khiến lòng ta thêm trong trẻo, thêm yêu thương, thêm sức sống" .Tôi tình cờ đọc thấy câu nói của Cô - "Thần tượng" quý mến trong tôi để đêm nay tôi lạch cạch cùng bàn phím vi tính, gõ về cuộc đời với những món nợ nhân sinh.


flowers4.gif picture in beautiful things

Ngày 26 tháng 12 năm 2011