KHÚC TỰ TÌNH... ĐẸP MÃI NHỮNG MÙA XUÂN


"Tôi kể bạn nghe về quê hương kì diệu
Sải mình dài cùng biển cả bao la
Lắm anh hùng cũng lắm gian truân
Nơi thơ và nhạc thi nhau về hội tụ"

Photobucket"Quê hương"... tiếng gọi đầu nôi của mỗi người dân Việt. "Quê hương" với bao địa linh nhân kiệt mà mỗi khi xướng tên là cảm nhận sự xúc động thiêng liêng. Trong kí ức tuổi thơ, "quê hương" chợt nhớ với chuyến đò chiều về quê ngoại, thả hồn theo dòng sông ngút ngàn, hàng dừa biêng biếc, Mẹ kể "tích Vân Tiên" rồi trường kì kháng chiến bao thăng trầm gian khổ. Thời gian trôi đã trở thành Miền Nhớ, những năm tháng chiến tranh đi qua, đọng lại trong kí ức xa xưa về một mùa xuân đại thắng thế kỉ trước. Như một cuộc sang sông, niềm vui pha lẫn tâm trạng bùi ngùi da diết... mới đó mà cũng đã ba mươi lăm năm!

Ba mươi lăm năm trôi qua, đã có những cuộc đời gắn liền hai thế hệ. Một buổi trưa cùng những thanh âm lịch sử vọng về, chúng tôi - những nhân viên Saigon Co.op đã có dịp gặp gỡ, giao lưu cùng những con người lịch sử ấy.

Hội trường Thông tấn xã Việt Nam lớn lắm nhưng vẫn không đủ sức chứa đựng niềm vui hân hoan rạng rỡ của những anh chị em Co.op Mart tìm về, không chỉ riêng đất Sài thành mà còn những tỉnh lân cận miền đất phương Nam trù phú bạc ngàn cây xanh trái ngọt. Có lẽ mang tâm trạng háo hức, mong muốn nghe lại những giây phút hào hùng của Cách mạng Việt Nam hay nhìn ngắm những "người lính cụ Hồ" tháng năm lớn dần theo những chữ "phi": "Phi áo vá bất thành bộ đội - Phi sốt rét bất thành bộ đội", thế mà vẫn... "nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!".

Hơn 13 giờ 30, chương trình mở màn trang trọng, đầy chất lính với một loạt những bài ca sống cùng năm tháng. Người người, trăm trái tim như vỗ về nhựa sống. Hơi thở nhịp sống đương đại như hòa cùng những khoảnh khắc oanh liệt, kiên cường của những ngày tháng Tư năm ấy. Cờ, hoa rực rỡ theo cùng niềm vui miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, oai hùng lắm và cũng biết mấy tự hào!

Và rồi... không gian, thời gian như ngưng đọng, không còn nữa cái khoảng cách của chiều dài lịch sử mấy trăm năm. Cả khán phòng như chìm đắm cùng lời kể, nỗi niềm của những nhân vật mà đến nay, tuổi đã ngoài bảy mươi: Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Trung tá Lê Thành Chơn và Trung úy Nguyễn Công Thuận. Chẳng phải là duyên khi cả ba đều là những người con miền Nam tập kết ra Bắc rồi lại vượt Trường Sơn vào Nam, bởi ý thức rõ ràng: chiến đấu vì độc lập, tự do. Dù tóc bạc da nhăn, dù tuổi đời đã chồng chất theo thời gian nhưng những gì các chú kể lại ngỡ như mới ngày hôm qua. Dí dỏm, vui tươi, nhẹ nhàng từng câu chuyện bỗng chốc biến thành phút lắng đọng tha thiết bùi ngùi trong mỗi con người đang hiện diện nơi đây. Chú Bảy vẫn nhớ rõ như in lời nghênh ngang của bọn giặc Mỹ: "Đánh miền Bắc trở thành thời kì đồ đá, không còn cái chén để ăn cơm" hay với lời căn dặn của Bác Hồ: "Các chú là lực lượng không quân nên mở mặt trận tiên phong thắng lợi!". Với chú Chơn: "Gặp địch là bắn liền, không chậm trễ!", cả một đời là một bản hùng anh, lưu lại cho đời... "Anh hùng trên chín tầng mây". Còn với chú Thuận, kỉ niệm mãi nhớ với con đường Trường Sơn khói lửa, ăn củ khoai mì còn ngon hơn chiếc bánh bao Hàng Buồm, để rồi mãi tạc dạ câu nói người xưa: "Miếng khi đói bằng gói khi no".

Thời kháng chiến quả thật biết bao khó khăn gian khổ, đã từng có bao giai thoại cười ra nước mắt. Ngày qua tháng lại, cái nghèo khó trở thành thi vị đáng yêu bởi nó chân thật cùng bao nụ cười lấp lánh ánh sáng tâm hồn: tâm hồn cao cả, sẵn sàng hy sinh, vượt lên trên hiện thực trần trụi đắng lòng cay mắt. Cũng như với chú Thuận, đêm nghe tiếng chim kêu mà ví von đùa vui bảo là "khó khăn khắc phục", ngày lãnh gạo... đi về cùng nước mắt rơi rơi.

Và không thể bỏ qua những mất mác đau thương! Ngày nước nhà thống nhất, nhắn tin tìm đồng đội mãi không nhận được hồi âm, mới biết rằng... đã cùng đồng đội chia tay vĩnh viễn. Người lính già đã khóc theo cùng lời kể, cả hội trường ngậm ngùi như thắp một nén nhang. Ngợi nghĩ, tình yêu quê hương đất nước mãi không cũ không mòn, cũng sẽ chưa bao giờ kết thúc dẫu xác thân đã về cùng "cát bụi", mãi mãi còn đọng lại "cho nghìn xưa lơ lửng với nghìn sau"...

Như một quy luật, mùa xuân mãi là mùa của đất trời nhưng lại vô cùng mới mẻ mỗi phút giây, cũng chẳng phải là một sự khởi đầu mà lại vẫn khởi đầu để cùng tiếp bước. Rõ ràng, trước ba chú, vẫn còn đó bao "người lính cụ Hồ" cao đẹp cùng phẩm chất và lý tưởng. Nhưng qua buổi gặp gỡ giao lưu, các chú đã cho bao thế hệ nhân viên Saigon Co.op, đặc biệt là lực lượng Đoàn viên - Thanh niên có dịp cảm nhận thêm về nỗi lòng, tâm huyết, những bản tình chung vẹn chữ "chung tình" về tình yêu quê hương đất nước của những nhân cách lớn ngày hôm qua. 

Thấp thoáng đâu đó  trong lời kể là hình ảnh người cha già dân tộc cả một đời vì nước vì dân với lối sống khiêm tốn, nhường nhịn, tiết kiệm, cơ cực từng ngày. Song, đó còn là niềm tin trọn vẹn! Tin mình, tin vào dân tộc - Tổ quốc mình - Đảng Cộng sản Việt Nam, tin vào tình yêu thương để có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó như những "mùa xuân nho nhỏ" góp vào mùa xuân chung của đất nước, một tấm lòng trong muôn vạn tấm lòng góp phần tô điểm mùa xuân cho cuộc đời yêu thương:

"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến"

Một nốt trầm xao xuyến cũng đủ ngân lên cung bậc niềm vui. Niềm vui như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng hay niềm vui Saigon Co.op mãi vươn cao vươn xa cùng bao khát khao, hoài bão, ý chí và niềm tin qua bao thế hệ tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh.

Kỉ niệm 22.04.2010