Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền...

Ngày Lễ Vu Lan, ngược xuôi trên những con đường Sài Gòn phố thị, bất ngờ mình nhận ra một hình ảnh thân quen. Sắc vàng óng ánh trong những giỏ hàng đan tre trên những chiếc xe đẩy, thị gợi lên trong tôi những xúc cảm vô vàn khó tả!

Thị... loại trái cây dân dã bình dân một thuở xa xưa, đan xen cùng kí ức tuổi thơ một sớm hiển hiện giữa ngày nắng mới. Cơn gió nhẹ thoảng qua, ngây ngất như lay động cả tâm hồn. Trôi dòng cổ tích, à... cô Tấm nhẹ nhàng bước ra từ quả thị, dọn dẹp việc nhà, nấu cơm cho bà đỡ mệt nhọc sau từng phiên chợ; một ngày, bà vội vàng chạy tới ôm lấy cô như tình thương của người mẹ dành cho đứa con quý yêu của mình, tất cả từ một duyên may: 

"Thị ơi! Thị rơi bị bà, 
Bà về bà ngửi chứ bà không ăn"

Thế đấy! Cảm giác nôn nao, bồn chồn đến là lạ, thân quen mà vô vàn khó tả làm sao! Có lẽ đã lâu rồi, mình cũng như rất nhiều người không còn được thấy, được nghe mùi hương của thị dìu dịu mà nức lòng, đôi khi lại là thèm ghê gớm! Dù chỉ là ngửi, chỉ ngửi nhẹ mà thôi... Theo thời gian, hình như mình cũng đã sắp quên thị nếu như không tình cờ gặp lại hôm đi chùa ngày rằm tháng Bảy. Thị... không là đặc sản, không bon chen cùng cam, quýt, bưởi hay rất nhiều những loại trái cây khác mỗi khi vào mùa. Ở Sài Gòn, thị cũng ít được ưa chuộng. Có hay không là nét riêng từ thị; có hay không là những tấm lòng trĩu nặng kí ức, những khoảnh khắc bé con ngày xưa.

Tôi nhớ lúc mình còn học tiểu học ở trường Lê Văn Tám, gần trường là một con đường trải dài nhiều sạp trái cây nhưng tuổi thơ tôi lại gắn liền cùng thị. Tiền Má cho đi học vào mỗi sáng, tôi thường dành mua thị. Trái thị khi ấy tôi mua to chỉ bằng quả trứng gà, nho nhỏ mà gọn gàng nên dễ bỏ vào cặp hay túi áo, lâu lâu lấy ra ngửi, thơm thơm rồi phát ghiền. Cầm tới cầm lui, trái thị mềm ủng, tiếc nhưng chẳng bỏ, cho vào miệng thưởng thức. Ôi chao! Giờ nhắc lại cũng chẳng nhớ rõ mùi vị như thế nào? Ngọt, lạt hay chát. Thế mà tuổi thơ mê mẫm từng ngày đến lớp, như không muốn rời xa. Hồn nhiên thêm một chút, nghe người ta bảo: "Lấy hạt thị để đầu gối nằm sẽ nghe một âm thanh thật hay, ngọt ngào như giọng cô Tấm vỗ về ta ngủ, bình yên đến với một giấc mơ thần tiên" mà làm theo. Nhưng cô Tấm có hiện ra không cũng không biết. Chỉ biết một điều duy nhất: sau 9 giờ tối là phải chui vào mùng đi ngủ, một ngày "quậy" thật nhiều nên vừa nằm xuống là đã say mê.

Thời gian dần trôi nhanh, thấm thoát ngày bé con cũng đã không còn. Nhưng thị trong tôi vẫn sống trong từng phút giây y như ngày cũ. Hôm nay xuống ca làm việc, hớn hở cùng người chị đồng nghiệp chạy ra đường Ba Tháng Hai tìm mua thị mà như nôn nóng tìm kiếm một kỉ vật thân tình. Vừa chạy mà vừa lo sợ người bán thị đi mất, bởi bán dạo mà, đâu có đứng yên một chỗ. Thật mừng khi nhìn thấy một xe thị đậu ngay ven đường. Bảy ngàn một lạng, mà một lạng chỉ được một hoặc hai trái. Người chị lựa, tôi cũng lựa. Thích quá, lựa một bịch đến hơn mười trái, gần một ký lô. Trái xanh có, trái vàng cũng có. Có trái to như quả trứng gà cũng có trái to bằng cái chén. Thị thơm phưng phức, lựa xong tay vẫn còn vương lấy mùi thơm. Chạy một mạch về nhà, trưng cả bịch giữa gian nhà trên bàn thờ Đức Phật Di Lặc hoan hỷ cùng nụ cười thật tươi mà như cảm nhận thật ý nghĩa cho "hành trình tìm thị" hơn hai hôm nay. Ngồi đó, Má tôi kể: "Lúc trước ở nhà cũ có trồng một cây thị. Hay với cây thị ngoài vườn Tao Đàn khi Má còn nhỏ mỗi dịp tháng tám cho trái thật tròn, thật to, ăn thật ngon, thật ngọt mà có trái cũng chẳng hề có hạt". Nghe Má kể, xem ra kí ức của tôi về quả thị chỉ chừng hai mươi năm, còn với Má thì như cả đời người. Đời người được sanh ra, lớn lên, à ơi cùng nhịp võng lời ru, nâng bước chân bé bổng vào đời từ những câu thơ ngày xưa:

"Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim ri trong lá 
Con chìa vôi vừa hót vừa bay

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện 
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên 
Thấy chú bé đi hài bảy dặm 
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền..."


Ngày 19 tháng 08 năm 2011