MỘT THOÁNG VIỆT NAM - CA DAO QUÊ

Những buổi trưa hè thanh vắng, Mẹ tâm tình với ta trong tiếng võng đưa buồn rưng rức. Những đêm đông, gió lùa vách lá, Mẹ vỗ về ta tình đất nước quê hương. Trong tâm hồn mỗi người, phải chăng giọng à ơi của Mẹ đã thấm sâu tiềm thức, ngày một ngày hai, bất chợt... kí ức xa xưa hiện về, ta lại nhớ tiếng võng, lời vỗ về năm cũ. Đó đây là những câu ca dao nuôi lớn cuộc đời, niêm nếm gia vị cuộc sống mến yêu.


Ta lớn lên bằng dòng sữa Mẹ, ta lớn lên trong điệu ngọt ca dao...

"Ca dao là lời hát tâm tình của người lao động, là bài học về tình yêu quê hương đất nước"... Đêm nay lắng hồn nhớ lại từng lời Mẹ ru từ thuở nằm nôi như càng thấm thía nhiều hơn!

Không đơn thuần là thế! Những câu ca dao đặc sắc mà cái hay, cái đẹp phảng phất dịu dàng, tựa những viên ngọc mà ánh sáng phát ra là nội dung vô cùng phong phú! Khái quát, ca dao là tiếng hát tâm tình đằm thắm, tha thiết và lắng sâu.

Đó là tiếng hát trĩu nặng yêu thương của Mẹ, của bầu trời hạnh phúc tuyệt vời nhất khắp thế gian:

"Ví dầu cầu ván đóng đinh 
Cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi
Khó đi Mẹ dắt con đi 
Con đi trường học Mẹ đi trường đời"

Câu ca dao với lối mở đầu bằng cách ví von để bộc bạch tâm tình vốn là nét quen thuộc của ca dao. Mẹ dìu ta từng bước đi chập chững đầu tiên rồi Mẹ lại dắt tay ta đi qua cầu tre lắc lẻo đến trường làng. Lo lắng, băn khoăn, hãnh diện... phút chốc Mẹ rời tay con để trở lại con đường đời mẹ trót nhận, nhọc nhằn như thân liễu giữa đêm dông. Cơ cực là thế nhưng Mẹ luôn thầm mong đời con sẽ không như đời Mẹ.

Nhưng con nào hiểu được:

"Mẹ nuôi con biển hồ lai láng 
Con nuôi Mẹ tính tháng tính ngày"

Câu ca dao như thể gom gọn ba điều, vừa đảo cấu trúc vừa đối lập lại vừa liệt kê như lời thở than sao mà ngậm ngùi, đau buốt.

Dẫu sao, đi khắp thế gian, không phải mỗi người con đều như thế! 

"Đêm đêm ra thắp đèn trời 
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con."

Thật cảm động! Hình ảnh tượng trưng "thắp đèn trời" thật đẹp! Hình ảnh bé nhỏ, lặng thầm của đứa con một mình giữa trời đất vô cùng trong đêm sâu thăm thẳm thiết tha khấn nguyện. Không chỉ đêm mà còn có ngày, những dịp lễ Vu Lan, khi cơn mưa chợt đổ chợt thôi, những đứa con tha thiết bên Đấng Từ Bi nguyện cầu. Hoa sen trắng, cánh hồng đỏ cùng hợp khúc Mẹ Cha mãi ngân vang. Giọt mưa đọng trên cành lá, giọt mưa đọng trên mi Người và giọt mưa đọng trên mái đầu xanh như mãi ghi tâm: đã bao mùa giọt mưa vô tình làm ướt đôi mái tóc, bờ vai Mẹ Cha. Ngày rồi đêm, khi ánh trăng lên cao, đêm lấp lánh muôn ngàn vì sao quyện cùng lời nguyện cầu rung động khắp cõi chư thiên. Nghịch cảnh hay tạo quá đã theo quy luật xoay tròn, con lớn lên, phơi phới tuổi đời trong mỗi phút giây song hành là dáng Mẹ Cha, tuổi Mẹ Cha ngày một héo hắt, già đi...

"Đói lòng ăn hột chà là 
Để cơm nuôi Mẹ, Mẹ già yếu răng."

Lòng hiếu thảo với lối thậm xưng nhưng minh chứng tấm lòng cho mỗi đứa con. Bởi, Mẹ là tất cả những gì tốt đẹp: 

"Mẹ già như chuối ba hương 
Như xôi nếp ngọt như đường mía lau."

Cụ thể, gần gũi mà lại là tâm tình đơn sơ tha thiết! Trên bước đường đời, giữa những khoảnh khắc khác nhau, con vẫn mong tìm về bên mẹ. 

"Biển đời bão tố gian nan 
Mẹ là bến đỗ bình an con về."

...

Tình Cha Mẹ là thứ tình thiêng liêng, da diết. Bên cạnh, vẫn còn đó tình cảm lứa đôi. Trong xã hội phong kiến khắt khe, ca dao như là chiếc gạch nối duy nhất để trai gái bày tỏ tâm tình: 

"Trên trời có đám mây xanh 
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng 
Ước gì anh lấy được nàng 
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây 
Xây dọc rồi lại xây ngang 
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân 
Có rửa thì rửa tay chân 
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh."

Bài ca dao với lời lẽ mộc mạc, bình dị mà tình tứ. Phải chăng đó là lối tỏ tình độc đáo của người con trai tha thiết yêu và được yêu. Không như thế, người con gái không mạnh mẽ, trái lại kín đáo và ý nhị hơn trong từng cử chỉ, lời nói: 

"Thuyền về có nhớ bến chăng 
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền."

Một hình ảnh ẩn dụ thâm trầm gợi cảm như lời hứa hẹn thủy chung thế mà nêu lên một thực tế đau lòng. Đó là thân phận người phụ nữ ngày xưa, suốt đời chỉ biết đợi chờ, không một chút tự do như chiếc bến cứ mãi phải chờ đợi. Có khi họ không có quyền đợi chờ. Do nếp sống của xã hội phong kiến quá nghiêm khắc, do chàng trai quá rụt rè, do cô gái không làm chủ được bản thân. Vì thế họ chỉ biết tiếc nuối than thở bâng quơ:

"Trèo lên cây bưởi háu hoa 
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân 
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc 
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay!"

Đôi khi, thêm một phần may mắn, họ vượt qua nghịch cảnh để đến với nhau, tháng ngày trân trọng những tình cảm trao nhau. Đẹp từ tình cảm lứa đôi ban đầu, khi đã nên vợ nên chồng, nghĩa vợ tình chồng mới thật nặng sâu: 

"Tay bưng dĩa muối chấm gừng 
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau."

Ý nhị làm sao khi đưa vào ca dao vị cay của gừng, vị mặn của muối. Đấy là tượng trưng cho cuộc sống đạm bạc hay chính là hương vị của tình yêu...

...

Và bao trùm lên hết vẫn là tình yêu quê hương đất nước. Hình ảnh quê hương làm cho người xa xứ nhớ đến quặn lòng: 

"Ra đi anh nhớ quê nhà 
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương 
Nhớ ai tát nước bên đường 
Nhớ ai dầu dãi nắng sương một mình."

Điệp từ "nhớ" cứ mãi lặp đi lặp lại như nhịp đập khắc khoải trông mong. Hương vị quê nhà là món ăn đạm bạc, không cao sang nhưng đã nuôi lớn ta từng ngày. Hình ảnh quê nhà là bóng dáng người vợ thân thương lầm lũi, đơn côi, một mình quán xuyến. Làm sao có thể từ bỏ như chối từ những gánh nặng yêu thương?! Thêm nữa, tuổi ấu thơ với bao ký ức đẹp xinh! Thế mới hay, quê hương dù nghèo đói nhưng lòng dạ nào mà từ bỏ: 

"Ta về ta tắm ao ta 
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn."

Làm sao có thể dứt bỏ được khi mà: 

"Làng ta phong cảnh hữu tình 
Dân cư đông đúc như hình con long."

Còn nữa, đất và nước, cảnh và tình như quyện chặt vào nhau: 

"Con cò bay lả bay la 
Bay qua ruộng lúa bay về đồng xanh."

Cách chơi chữ thật hay! Điệp từ "bay" như điệu vỗ nhịp nhàng của đôi cánh. Một bức tranh quê đơn sơ mà gợi cảm đầy sức sống. Giọng điệu chơi vơi như tâm hồn lâng lâng khoan khoái của những người dân Việt khi ngắm nhìn cánh đồng, mảnh ruộng tươi tốt, đầy tự hào nao nao đến là lạ!

http://i1013.photobucket.com/albums/af256/phuongdo9090/Avata%20-%20hoa/grass01_bc_justforfun.png?t=1306068106


...  

Rõ ràng, kho tàng ca dao là vô tận. Có lẽ đến hết cuộc đời ta chưa học được hết tiếng nói của dân gian. Ca dao là tiếng nói tâm tình, là tiếng lòng của bao thế hệ. Ngôn ngữ ca dao dạt dào sắc thái biểu cảm và chan chứa bao tâm tình.

Như thể, ca dao đã góp phần làm đẹp, làm phong phú thêm cuộc sống. Ca dao giúp người đời sau hiểu thêm về người đời xưa, khơi gợi những tình cảm đẹp làm ta thêm yêu thương dân tộc. Như một mảnh đất quê khơi nguồn từ mạch ca dao...

Ngày 28 tháng 08 năm 2011