" Xuân chưa kịp tàn, hạ đã thay màu phượng đỏ
Dấu tình buồn, cỏ ứa mưa thu..."
Thời gian trôi qua thật nhanh! Hạ đến rồi lại đi trong lặng lẽ, vô tình đánh thức trong tôi bao hoài niệm về một thời áo trắng thật đẹp, đầy mộng mơ mà tôi cũng như các bạn luôn ôm ấp mãi trong lòng, khó mà phai nhoà trong tâm trí. Mười một năm trôi qua, "những áo trắng A10 xưa" giờ đây đã có những lối đi riêng, con thuyền đời chất chứa những hy vọng chở đến bến bờ tương lai. Có bạn đã có gia đình, sự nghiệp ổn định nhưng cũng có bạn vẫn còn độc thân, sự nghiệp mới chỉ là bước bắt đầu, đang đối mặt với những suy tư, trăn trở cuộc sống. Và tất cả vẫn mãi là những người bạn A10, chung trường lớp - Thầy Cô, đã từng có những kỉ niệm áo trắng pha lẫn vui buồn. Hôm nay nhìn lại nó như là một chuyện cổ tích - "cổ tích A10" mở đầu bằng ngày xửa... ngày xưa... không lâu lắm, chỉ mười bốn năm về trước...
Mười bốn năm trước, một chiều thu không nắng vào cuối tháng 8.1997, trời mát mẻ với cơn mưa rào nho nhỏ, những con người mới bỡ ngỡ gặp nhau tại lớp 10A10 trường Mạc Đĩnh Chi dưới sự dìu dắt của Thầy Chủ nhiệm Huỳnh Việt Hùng.
Tôi quen biết các bạn ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Một chiều mưa nho nhỏ, trong một phòng học thuộc dãy nhà cũ, tôi đã biết Vi, Nguyên và Trang khi cùng các bạn tham gia vẽ cờ Đoàn. Ở tiết học Anh văn đầu tiên, Siêu Thành đã bắt chuyện làm quen, thế là tôi quen biết Thành. Đối với Hy Phú, tình bạn quen biết tại hồ bơi Phú Lâm ở tiết học Thể dục. Chỉ riêng đối với Hải là "quá xưa", tôi đã cùng Hải học chung bốn năm cấp 2 tại trường Đoàn Kết, không ngờ hai đứa có duyên ghê! Có lẽ vì vậy mà tình bạn ngày càng thắm thiết! Và nhiều bạn khác, có bạn tôi quen biết từ sớm, có bạn đến hơn một tháng mới quen biết nhau. Năm lớp 12, A10 có thêm vài thành viên mới nhưng độc nhất chỉ có Hoà "mụi" là gây ấn tượng ngay từ lần đầu gặp gỡ...
Suốt ba năm liền, Tiểu Vi luôn là Lớp phó Học tập, vai trò Lớp trưởng là Lê Trần Phong. Năm lớp 12, Hồng Phú được bầu làm Lớp phó Lao động và bạn rất trách nhiệm với lớp, với công việc của mình. Được sự quý mến, tin tưởng của các bạn, tôi được bầu làm Bí thư Chi đòan 12A10. Có lần Hải đã nói với tôi là rất gan, rất bạo sau khi "đăng quang". Hải nói như vậy có lẽ là do tôi đã cố gắng tự tin đứng trước tập thể để mà phát động những phong trào của lớp. Và tôi không quên Hạnh Nguyên - Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường năm lớp 11.
"Nghỉ! Nghiêm! Bước đều... bước. Một hai, một hai..." Đó là tiếng của Tiểu đội trưởng Trương Hy Phú trong giờ học Quân sự đầu năm lớp 10 mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ. Tôi đang ngồi đây và dường như thanh âm ấy vọng về, tiếng Phú vang vang bên tai. Đúng rồi! Tiếng của người bạn thân một thời và mãi mãi.
TỪ NHỮNG CUỘC CHƠI...
Có lẽ Ông Trời đã sắp đặt "cái duyên bè bạn" của A10! Ngay từ những ngày đầu học Quân sự đầu năm lớp 10, mọi người tuy xa lạ nhưng dường như rất thân thiết, trò chuyện, đùa giỡn với nhau, chơi trò đánh lộn mà tôi nhớ hoài Hoàng Trang là "cầm đầu" bọn con gái. Chỉ sau hơn hai tháng, một cơ hội vui chơi lớn lại đến. Đó là ngày 20.11.1997, sau buổi sáng làm Lễ, chiều đến, chúng tôi tụ họp vào trường cắm trại qua đêm nhân kỉ niệm 40 năm thành lập trường Mạc Đĩnh Chi. Cắm trại qua đêm, vui thật! Tiếc là lần đó tôi không có tham dự. Rồi từ đó, sau những giờ học trên lớp, chúng tôi cùng nhau giải trí như đi ăn chè, trượt patin, hát karaoke, đi dã ngoại, về quê... hoặc cùng nhau học nhóm. Đến bây giờ, vẫn còn vài địa điểm mà chúng tôi lui tới như quán chè pepsi, cùng vào quán để thưởng thức món chè bà ba hay chén rau câu mát lạnh rồi karaoke Ngọc Minh, súp cua ở Cư xá Phú Lâm...
Sang năm lớp 11, cả đám lại có dịp chung vui tại Viet Nam Water World vào ngày 8.3.1999. Nước làm ướt người, người vui đùa với nước. Cả đám trượt nước, nước bắn tung toé cả một không gian. Tôi đã cùng Vi trên một chiếc phao để mà trượt, để mà vui. Rồi những đứa bạn cùng làm những con sứa thả mình trong dòng nước, mặc cho dòng nước đẩy đưa. Một ngày thật vui! Chiều hôm ấy, chúng tôi rủ nhau đi ăn bánh xèo miền Trung ở đầu đường Nguyễn Văn Luông. Đứa nào cũng quất lia lịa, có lẽ chơi nhiều quá rồi đói nên ăn dữ. Quán bánh xèo toàn là khách A10, nhìn vào thật là ấm cúng! Niềm vui nối tiếp niềm vui, tình bạn lại càng khắng khít. Chúng tôi đòan kết với nhau lắm, ở việc học và cả ở việc chơi...
Năm lớp 12, cũng vào ngày Nhà Giáo, là ngày các bạn nữ gồm Vi, Nguyên, Trang, Thuỷ, Hạnh, Phụng bị "bể show" phục vụ văn nghệ. Nếu như hệ thống âm thanh không bị trục trặc thì Thầy và trò trường Mạc Đĩnh Chi đã được thưởng thức bài hát "Một thời để nhớ". Thật tiếc! Vừa xong Lễ, chúng tôi đã kéo thật đông về quê của Thu và đã được thưởng thức món cháo gà Vi nấu, món gỏi rau Phú trộn. Lúc dọn dẹp, người này chậm chạp, người kia lôi thôi, Mỹ Dung đã la: "Thôi đi hết đi! Để tôi làm cho!" Điệu bộ Mỹ Dung lúc ấy cũng rất là nhí nhảnh. Từ sau cuộc chơi này, một tổ chức Hội ăn chơi ra đời, có bắt đóng hội phí nữa nhưng toàn là đi đòi mới đóng, chẳng ai tự giác. Hoàng Oanh năng nổ nhất, thay mặt Hội trưởng đi đòi tiền các Hội viên. Hội chúng tôi đã tổ chức vui đêm Noel 1999 tại nhà Hường. Vui đêm Noel được ăn uống, được quà từ người khác, thật là ấn tượng! Có nhiều bạn rất là ăn gian, mua quà gì đâu không! Có người mua một tép singum rồi lấy giấy gói lại để làm quà. Có người thì lấy con thú bằng mũ nhỏ xíu, cho vào một cái hộp lớn rồi cho vào một cái hộp lớn hơn nữa, thế là có một gói quà! Cuộc vui đêm Noel đã lôi kéo các bạn ra đến tận Sài Gòn để rồi nhiều bạn không học bài của ngày hôm sau và Nguyên là người xui nhất, không thuộc bài Anh văn, còn tôi may mắn hơn một chút, cũng bị gọi trả bài nhưng được điểm 7.
ÔI! CHUYỆN HỌC CHUYỆN HÀNH
Một chút bùi ngùi nhớ lại những cuộc vui xưa, đến làm chi rồi lại đi cho lòng người ta xót, nước mắt người ta rơi. Có những chiều chạy ngang qua trường xưa mà chạnh nhớ đến não lòng. Làm sao có thể quên được tuổi học trò được ví von như câu nói: "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Học trò A10 chơi nhiều hơn học, chơi thì giỏi mà học thì lại í ẹ; nhiều đứa từ giỏi xuống khá như Vi, Phú, Nguyên... đến từ trường Bình Tây; nhiều đứa từ khá xuống trung bình - yếu như Hải, Hân... Có lần Thuỷ nói: "hồi đó Thuỷ học ở Nguyễn Đức Cảnh giỏi lắm, giờ học thật ngu!" Cũng như Hoà "mụi", lớp chuyên không chịu học, bon chen đua đòi qua A10 để rồi cùng chịu dở...
Cũng khó trách cho học trò A10! Vì ba năm cấp 3, nhất là năm lớp 12, Thầy Cô giảng dạy hầu như là... cao thủ thứ thiệt! Thầy Toán tối ngày cứ "đường sin", ám chỉ các bạn nữ cong cong quẹo quẹo. Ai có bồ, ai cặp bồ, Thầy biết là chết! Thật tội nghiệp cho Hân và Phát, có cặp bồ gì đâu mà Hân luôn trong tầm ngắm của Thầy. Chỉ một lần để quên tập Toán ở nhà Phát mà Hân phải khổ một năm trời.
Và chuyện "cặp bồ" thật sự là có ở A10 trong suốt ba năm học. Năm lớp 11, Thầy Hùng vẫn Chủ nhiệm A10. Thầy dễ lắm! Đầu năm Thầy giao Vi và Nguyên xếp chỗ ngồi cho các bạn. Hai bạn đã trổ tài, hai gương mặt "bị ghép chọc ghẹo" hoặc "hợp ý" từ năm lớp 10 thì ngồi cạnh nhau như Hải - Trang, Vi - Phú, Phát - Hường, Thuỷ - Phong... còn không thì cốc ổi mía gim, sương sa hạt lựu ngồi chung với nhau. Đó cũng là những mối tình nảy nở chợt đến rồi lại chợt đi. Nhiều khi có một mối tình phải đi vòng hết lớp nhưng cũng chẳng có kết quả, thương thương mến mến rồi hờn giận, nếu ngày đó chịu khó ghi chép lại chi tiết thì có lẽ ngày nay đã có một "thiên trường hận A10", xoay tới xoay lui cũng chỉ là Phú, Vi, Phát, Trang, Hải, Hường. Không ồn ào náo nhiệt, song song đó, có một chuyện tình rất là nhẹ nhàng khép nép (xin phép được giấu tên), cứ sau mỗi giờ chơi, một người lén lút đặt một mảnh khăn giấy lên bàn một người để người ấy thấm mồ hôi. Hoặc một mối tình khác rất romantic, ngay trên lớp, dĩ nhiên là lúc không có Thầy Cô, người nam đã ngã đầu vào người nữ, thật là ớn ăn!
Tạm biệt những giây phút lãng mạn để đến với những phút giây hãi hùng , căng thẳng của A10, đó là giờ Địa năm lớp 11 và 12. Mỗi khi vào lớp giảng bài, có một điều mà Cô Địa giảng tới giảng lui, giảng Việt Nam mà đi đâu qua tới Mỹ, Nhật, vòng quanh thế giới rồi trở về Việt Nam từ bao giờ nhưng không biết đang ở đâu. Cô thao thao giảng rồi bất chợt một người bạn "được" Cô gọi hỏi bài. Vừa được điểm 8, Dung lại nhận ngay điểm 2 chưa đầy 10 phút. Hai lần phát biểu như nhau, đọc từ sách ra, diễn đạt trôi chảy nhưng hai điểm số hoàn toàn khác nhau, thật không hiểu vì sao? Có lần Thuỷ cũng vậy và "nuôi vịt" như Dung. Những lúc như vậy, các bạn chỉ biết nhìn nhau và cũng hơi mắc cười nhưng chỉ biết cười mỉm, cười nhỏ tiếng, cười trong bụng. Có lẽ vì vậy mà tụi nó mỗi khi nhắc lại là nói Cô Địa man man, nhất là thằng Hải. Nó "hận" Cô Địa vì đã bắt nó cái tội quay bài vào giờ kiểm tra, đã vậy còn khuyến mãi thêm cái "trứng ngỗng". Cũng vì vậy mà từ đó Hải buồn! Hải buồn rồi đến Hân buồn. Hân cũng được Cô Địa tặng cho cái "trứng ngỗng" ở học kì 2 vì cái tội y như Hải. Năm lớp 12, Hải và Hân như đôi sam, mỗi sáng là Hải đến đón Hân đi học, trưa lại đưa về. Thằng Hải thường xuyên đi trễ nên Hân cũng vì vậy mà đi trễ luôn. Thằng Hải thì khỏi nói, quen nó từ năm học cấp 2, lúc đó nhà nó ở gần trường Đoàn Kết còn đi học trễ nói gì đến thời điểm học cấp 3, nhà nó ở tận... "thành phố buồn - Bình Hưng Hoà". Hân dính vào Hải cũng bị vạ lây!
Nhắc đến Hân, tôi lại sực nhớ đến giờ Sinh12. Không có gì đáng nhớ nếu như Hân học bài thì sẽ không có việc Thủy và Hoà "cứu nạn" Hân và các bạn bằng cách quay ngược quyển tập, lật ra ngay trang bài học là có thể thấy, có thể đọc. Cũng may là Hân mắt to, không cần nhướng cũng thấy, gặp mấy đứa cận thị, subachao như Hải, Tâm Ngọc, Quốc Trung thì có nước kêu... zời ơi!
A10 học hành như thế đấy! Không học bài, quay bài rồi lại có thêm "chiêu" mới nữa, bắt gặp điển hình ở cô bạn Thanh Thuỷ. Trước mỗi giờ làm văn trên lớp, Thuỷ đã hỏi thăm đề bài ở lớp khác rồi tự phòng vệ cho mình: làm bài sẵn ở nhà. Vào lớp, chỉ cần 10 phút giả bộ làm bài như ai, không cần suy nghĩ nát óc mà vẫn được điểm cao. Thời gian còn lại được xoay tới xoay lui, gác một chân lên ghế nhịp giò hoặc thọc cả hai chân vào hộc bàn. Một tư thế liêu trai rất là Thanh Thuỷ!
Rồi ở giờ Lý12, Thuỷ lại có thêm "chiêu" nữa: quay bài lên mặt bàn nhưng xui là bị Thầy phát hiện, lại bị đổi chỗ ngồi, thêm vào đó là điểm kém. Cùng bị với Thuỷ còn có Hoà nữa! Không biết ai đã dụ dỗ ai mà bây giờ mỗi khi nhắc lại, hai bạn cười vui đổ lỗi cho nhau. Còn về Thầy Lý, đám bạn cứ mãi chọc Thuỷ, Thuỷ cười và đã cho Thầy là "sư phụ" của chính mình. Thầy Lý còn là nỗi ám ảnh của tôi và Tiểu Vi. Và hai đứa đã tự cho nhau là "người cùng khổ giờ Lý". Cái gì cũng Thi, cái gì cũng Vi. Mỗi khi Thầy trả bài các bạn, hai đứa chúng tôi phải căng đôi tai chú ý lắng nghe để khi Thầy hỏi: "bạn đọc sai đọc thiếu những gì?", hai đứa phải cố gằng tìm và chỉ ra, thật là nhức cái đầu! Và tất cả mọi đứa chúng tôi, sợ giờ Lý cũng như giờ Địa, hai tiết học buồn ngủ trong sự căng thẳng phập phồng! Vào lớp, Thầy ngồi một chỗ rung đùi, giảng dạy gì mà toàn nói trong sách Chuẩn kiến thức Lý, vô cùng sơ sài nhưng lại hỏi chúng tôi toàn những điều sâu xa.
Phải chi mọi tiết học đều thoải mái để chúng tôi cùng vui cùng học. Giờ GDCD12, Cô Ngọc Dung đã cảm thông với cái học nhọc nhằn ở năm cuối cấp, đã dành trọn tiết giảng cho chúng tôi học bài của những môn học khác. Hay như Cô Tuyết Phượng (Sinh12) với lời lẽ nghe đến xót lòng: "Cô năn nỉ mấy em học bài!" rồi nhắc nhở thật nhẹ nhàng: "Nữa, nói chuyện nữa..." khi Cô đang giảng bài mà có ai nói chuyện, không la mắng, "phóng phi tiêu" như Thầy Lê Kim Anh. Tiết Hoá12, Cô Loan thường vào lớp kể chuyện, sướng ghê, tự nhiên được nghỉ xả hơi! Tuy vậy cũng lo lo vì kiến thức Hoá như một cái túi trống rỗng. Cũng may là năm đó thi Tốt nghiệp không có môn Hoá, nếu có chắc nhiều đứa rớt như sung rụng, tôi cũng có thể nằm trong giỏ sung đó. Hy Phú rất được Cô thương, có lẽ do học giỏi môn Hoá, hết tập chưa kịp thay là Cô đã cho ngay một quyển tập mới, đỡ tốn tiền! Siêu Thành cũng học giỏi Hoá nhưng không ấn tượng gì nổi bật như Phú. Thành học tàn tàn, thật ẹ các môn xã hội nhưng lại "siêu" các môn tự nhiên, đậu vào Đại học bách Khoa là một tuyệt vời Thành đã mang lại. Thật là ngưỡng mộ Siêuiêuiêuiêu... Thành! Đâu như thằng Hải, càng ngày học càng dở, vậy mà cũng nộp hồ sơ thi toàn Đại học gây choáng váng như Bưu chính viễn thông, Kiến trúc, Mỹ thuật. Học hành gì mà tối ngày cứ xuống nhà mượn tập mình hoài. Rồi một buổi tối, nó xuống mượn tập còn đú đa đú đởn chở mình đi hóng mát để rồi bị Công an bắt vì cái tội lái xe không bằng lái, xe không giấy tờ. Lần đầu tiên trong đời bị Công an bắt thật là run! Run đến nỗi đang cầm quyển tập Toán trên tay, xé ngay tờ giấy nhãn vì sợ Công an biết tên. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời mình được một người con gái chở về tận nhà. Lúc đó hơn 9 giờ tối, người con gái đó đi học thêm về, thấy mình đứng ngay bùng binh Cây Gõ vì Hải và chiếc xe đã bị Công an chở về đồn. Hôm sau vào lớp, chuyện tối qua đã bị bật mí bởi người con gái đó. Hết nói Thuỷ luôn! Vâng! Thuỷ chính là người con gái đó.
Nhắc đến những giờ học trên lớp, tôi không sao quên được những khoảnh khắc nghịch ngợm của A10. Giờ GDCD11, Hy Phú đã tự ý đổi chỗ ngồi, cao mà nhí nhảnh ngồi đầu, rồi khi bị Thầy phát hiện, Phú trả lời y như anh chàng nhà quê lên tỉnh làm cho cả lớp bật cười: "Em ở dưới mới lên". Hay như Đắc Tiến, đứng núp sau lưng Cô ở giờ thực hành Lý11, lấy dây điện thập thò y như chít vào đít Cô. Tiết học Kĩ thuật 10, không học mà thay nhau lên đứng giữa lớp ca hát, làm thơ, biểu diễn tài năng nghệ thuật, ấn tượng là Đỗ Hải với bài hát "Tarzan girl". Giờ GDCD10, khi bài giảng đã hết mà tiết học vẫn còn, Thầy cho chúng tôi tự do miễn là không làm ồn lớp bên cạnh, đám con trai đã tụ tập trò chuyện rồi... phụt, Quốc Trung giơ tay chỉ trúng mụt mụn đang mùi trên mặt tôi làm nó bể và văng trúng vào tay Phú. Không hiểu tại sao lúc đó mình nổi mụn quá trời để rồi nên nỗi! Lần khác, vui quá, cười đến nỗi văng nước miếng vào tay Phú. Nhớ lại thật là xấu hổ!
Tôi cũng không thể nào quên được những lúc vui đùa như cùng nhau đá cầu, đứng hình vòng tròn; chơi những trò chơi hết chỗ nói như tụt dây giày của bọn con trai, thắt tà áo dài của bọn con gái thành một cục, xoa dầu lên tay rồi xoa lên mặt người khác, dán giấy vào lưng áo hay xả rác lên đầu; ăn vụng trong giờ học; chọc ghẹo Thầy, gắn biệt danh cho Thầy Cô; trêu tên Cha Mẹ; hoặc những lúc vui đùa nhẹ nhàng, trao cho nhau tên gọi của nhân vật như Tiểu Vi - Hạ Tử Vi, Kim Phụng - Tiểu Yến Tử, Minh Hải - Tiêu Liếm, Thuỳ Mai - Giongconkhi, Hoàng Trang - Bà Đô, Siêu Thành - Lý Đức...
ẤN TƯỢNG XUÂN 2000
Những ngày giáp Tết năm 2000, một Hội trại Xuân thật ấn tượng tại trường Mạc Đĩnh Chi, dành riêng cho khối lớp mười hai, khi ấy cũng đã là 29 lớp. Nhiều ngày liền chúng tôi thay phiên nhau ở nhà Mỹ Dung, nhà Phụng, nhà Hường chuẩn bị mọi thứ. Đứa này phụ một chút, đứa kia một ít, cắt dán hình cây mai, tạo mũ đội đầu: con trai là Vua Hùng, con gái là bông hoa, vừa làm vừa nghe nhạc. Tiểu Vi thật khéo tay, Vi đã chuẩn bị rất công phu chiếc áo giấy có hình rồng lượn cho người mẫu Ngọc Hân. Rồi một ngày kia, chỉ vì chạy tới chạy lui mà tôi, Thuỷ và Trang suýt bị chó cắn khi mà chiếc xe tống ba đi ngang qua một con hẽm gần nhà Hường. Không sao, giơ chân tẩu thoát kịp thời, thiệt hại duy nhất là cái quần của Trang bị rách...
Hội trại Xuân chúng tôi giành được rất nhiều giải thưởng, một đêm A10 tự hào rất nhiều! Giải nhất là mâm quả Đêm Giao Thừa do tôi, Chí Tâm và Dân Khánh trưng bày. Trò chơi "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" đã được các big-girl trổ tài đặc sắc như Thuỳ Dung, Hồng Phiến, Hoàng Oanh... thay phiên ngồi trên bong bóng sao cho bể bụp bụp. Một "Chiêu Anh Quán" sực mùi kiếm hiệp nhưng chỉ bán rau câu do Hải làm và đá me do Vi chế biến, thế mà đắc như tôm tươi! Một "Tiểu trại Xuân Tím" với những người bạn đoàn kết yêu thương. Cả ngày, ai nấy cũng vui hết mình rồi bỗng nghe tiếng nấc trong lòng, nhiều bạn đã khóc khi Cô Ngọc Lan đọc một bài văn về trường lớp, về Thầy Cô, về bè bạn khi đêm về. Một buổi trại Xuân mang nhiều ý nghĩa! Phút cuối, toàn trường sôi động hẳn lên. Những người bạn A10 cùng nắm tay nhau, cùng giựt, cùng quậy và cùng ùa lên sân khấu, vui trọn một đêm trại Xuân.
ĐAO ĐÁO NỖI BUỒN CHIA TAY!
Thời gian trôi nhanh, chúng tôi bước vào những tháng ngày cuối cùng của cấp học phổ thông. Vừa qua Tết là phải lo làm hồ sơ thi Đại học, mừng mừng lo lo khi mà biết được thi Tốt nghiệp gồm các môn Văn, Toán, Lý, Anh, Sử, Địa. Khoảnh khắc lúc ấy như cái lò xo nén lại một cách đột ngột. Chớp mắt một cái đã đến ngày Tổng kết năm học, tổng kết mười hai năm phổ thông thời áo trắng. Ngày mai đây, những gương mặt mới ngày nào bỡ ngỡ gặp nhau, đã trở nên thân thiết tự lúc nào sẽ phải chia tay, lựa chọn hướng đi riêng cho mình, hằn in dấu chân trên đường đời.
Nhớ lại ngày Tổng kết năm ấy với những niềm vui, nỗi buồn và nước mắt. Hôm đó, sau khi làm Lễ Tổng kết toàn trường dưới sân, chúng tôi tập trung về lớp. Trên bục giảng, tôi đứng ngay giữa lớp như một MC chương trình. Sau đó, Vi thay mặt mọi người đọc một bài văn do chính Vi làm. Bao cảm xúc cùng ngòi bút thổ lộ những nghĩ suy, Vi đã nhắc lại những kỉ niệm trong suốt ba năm liền về Thầy trò A10 dưới mái trường Mạc Đĩnh Chi thân yêu, khi vui lúc buồn. Những tưởng lời lẽ sẽ êm đềm theo câu văn, nào ngờ... Vi nghẹn lời và nước mắt tuôn trào. Không thể tiếp tục, Nguyên thay Vi đọc tiếp nhưng Nguyên cũng như Vi. Nhiều bạn nữ ngồi bên dưới cũng khóc. Rồi bài hát "Mong ước kỉ niệm xưa" do Giáng Tiên, Thu Hường và Hồng Phiến trình bày cũng nghẹn ngào trong nước mắt. Cả lớp lặng đi, hơn cả sự im lặng cần có mỗi khi Thầy Cô giảng bài. Im lặng để mà nghe, để mà nhớ, để mà lưu giữ khoảnh khắc cuối cùng trong phút chia xa. Cả lớp đã cố gắng làm nên một buổi chia tay thật ấn tượng. Ngày mai đây, chúng ta còn gì lưu giữ cho nhau, những chữ kí xanh trên tà áo trắng hay trong Kỷ yếu, những trang Lưu bút trao tay cho nhau ngày nào, những kỉ niệm đẹp mãi mãi trong lòng của mỗi đứa. Buồn làm chi ai ơi! Con ve gọi hè để tình bạn xa cách...
Lưu bút chuyền nhau ghi vào nỗi nhớ
Một thuở thân thương - một thuở học trò
Bài hát chia tay buồn đến ngẩn ngơ
Nhưng ai nỡ quên một thời trường lớp...
Rồi này thi Tốt nghiệp đã đến, chúng tôi thi ở nhiều địa điểm khác nhau. Riêng ở trường Hậu Giang, tôi đã có dịp gặp lại Vi, Phú, Thành, Phụng, Trang, Thuỷ... Ba ngày thi cũng là ba ngày "áo trắng A10" chuyện trò, vui đùa với nhau lần nữa. Ba hôm đó trời cũng đã đổ mưa, cơn mưa không mong không đợi nhưng thật đúng với tâm trạng. Nhớ lại vẫn còn gơm gớm nước mắt!
Những chuyện ngày hôm ấy, hôm nay đã trở thành kỉ niệm. Thời gian vô tình trôi đã trở thành Miền Nhớ, những khoảnh khắc ngày ấy nay còn là kí ức đáng yêu! Đã bao mùa mưa đi qua, tôi vẫn nhớ hoài ba mùa mưa đó với những cơn mưa kỉ niệm. Đã bao mùa phượng nở, tôi đã không nhìn thấy sắc đỏ hoa phượng của gốc phượng già trong sân trường Mạc Đĩnh Chi. Phượng nở đỏ rực một góc sân trường, rạo rực đón hè về. Trong khi đó, mỗi đứa chúng tôi mang trong lòng một nỗi buồn da diết. Màu hoa phượng đỏ hay là màu máu đỏ thắm trong tim, sẽ mãi là màu đỏ của máu như chúng tôi luôn ôm ắp những mùa hè với màu phượng đỏ. Kể từ mùa hè năm 2000, chúng tôi như đã vĩnh biệt mùa hè, vĩnh biệt một thời áo trắng, chúng tôi sẽ không còn là nhân vật trong câu nói: "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" nữa! Nhưng chúng tôi sẽ mãi là những nhân vật trong "Cổ tích A10" với thời áo trắng đẹp xinh!
"Cổ tích A10" không dừng lại ở những ngày tổng kết năm học, xuyên suốt là những lần họp lớp ở nhà Hải (đường Địa Đạo), quê Hải (Đức Hoà Đức Huệ) và sau này là những ngày họp nhóm. Lớp A10 thân yêu với những gương mặt thân thương và những gương mặt "thân" với A10, đã hoà nhập vào A10 những lúc vui chơi, trò chuyện, tôi sẽ mãi nhớ trong lòng...
"Cổ tích A10" sẽ còn mãi khi chúng tôi về già, là những ông cụ bà lão dẫu người mất người còn. Và "Cổ tích A10" sẽ mãi là FONDAU FOREVER.