À ơi! Con chim se sẻ nó đẻ cột đình...


Cả cuộc đời Ngoại lận đận, gian truân… Tôi vẫn thường nghe Má kể như thế về Ngoại. Thời son sắc gặp cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc; tiếp nối, khi là người mẹ trẻ, khoảnh khắc xuân thì của Ngoại vẫn là đạn lạc bom rơi. Đói nghèo đi với khổ đau, thế mà nghị lực như bao người mẹ, Ngoại lại là điểm tựa của những đứa con thơ ngày ấy. Ngoại thương các con, là Má, là các dì, các cậu. Cuồn cuộn với đời là thân thể mong manh, đôi tay mềm yếu nhưng trên hết là trái tim của tình thương, rốt ráo cũng chỉ để kiếm tiền, trước lo bữa cơm chiếc áo, sau là lo con chữ cho những đứa con sao cho trung hiếu với đời bằng cái nhìn khoan dung, nhân hậu, trọn nghĩa, tin yêu. Là những hàng cá hàng tôm trong phiên chợ sớm, là gánh vịt lộn “giải lao” cho đời, là sạp thuốc nhỏ khi sân khấu chuẩn bị lên đèn trước rạp Hồng Liên, Cây Gõ thế kỷ trước, người qua người lại thương thương mà ủng hộ… Một đêm, một đêm, Má đã kể lại tôi nghe là thế!

Riêng tôi, giống như mọi câu chuyện cổ tích đều bắt đầu cụm thời gian phiếm định “Ngày xửa ngày xưa…” thì trong trí nhớ của tôi, hình ảnh người bà thật đáng trân trọng, tôn kính. Ngoại thương tôi ngay từ còn bé. Lúc tôi bệnh nặng, ngoài Má và Chị Ba, Ngoại cũng vô vàn lo lắng. Lớn lên một tí, nhớ ngày giáp tết, Ngoại nắm tay tôi tham quan chợ tết đường phố lúc bấy giờ, thật vui tươi, thật ấn tượng! Quầy sạp san sát bên nhau, sạp dưa, sạp mứt, hành tỏi kết xâu treo lủng lẳng… đậm đà hương vị tết. Cuộc sống hiện đại thế kỷ này vô tình đã xóa đi những hình ảnh ngày trước, siêu thị thay cho chợ, bánh mứt đóng gói theo dây chuyền, không còn thủ công giấy màu xanh xanh đỏ đỏ như xưa… Thế nhưng, hình ảnh hai bà cháu… một đêm đứa cháu năm cũ đã ba mươi hai tuổi đời vẫn không hề nhạt phai một chút ký ức.

Chợt nhớ ngày sinh nhật năm lên mười một, Ngoại thương rồi bảo Ba Má tổ chức sinh nhật cho tôi. Lần đầu biết sinh nhật là bánh kem chan hòa bao lời chúc, phần quà là những quyển tập trắng ngan ngái mùi giấy thơm, rồi hai quyển truyện Đôrêmon đầu tiên “Đồ vật nổi loạn”, “Lạc vào xứ thần tiên” mà chăm chú đọc rồi thích, rồi mê, mỗi tuần cứ thế thứ sáu là đón đọc tập truyện Đôrêmon mới. Và những đứa bạn của năm cuối cấp một chung vui bên nhau mừng tuổi mới cùng tôi. Tất cả là nhờ Ngoại, là những tình thương vô bờ vô bến.

Ngày tôi lớn lên, chật vật bon chen tìm việc làm thì Ngoại như thể đã tìm cho tôi một việc làm ưng ý cho đến bây giờ - Một nhân viên của Saigon Co.op. Năm tháng nhích dần, nhích dần, một ngày Ngoại là “khách hàng” của tôi ngay trong chính nơi mà Ngoại đã “gởi gắm” đứa cháu vào đây. Đau đáu, Ngoại giờ đã già hơn xưa, tay run run chống gậy, nhịp chân chậm rãi từng bước. Ngoại đi siêu thị tìm mua những món Ngoại thích hoặc để dành cho những đứa cháu có dịp tề tụ về. Nhớ ngày Tết, Ngoại luôn để sẵn những bao lì xì đỏ, xem như chút “lộc” bà cho cháu nhân dịp xuân về. Những bao lì xì có khi là những tờ giấy bạc, nhưng cũng có khi là những viên kẹo sôcôla hình thỏi vàng. Chút lộc may mắn chan hòa sự ngọt ngào khi hoa mai vàng ngoài ngõ trổ hoa. Bỗng lặng yên, một thời gian dài, Ngoại không còn lui tới siêu thị, đấy cũng là lúc Ngoại bệnh, không còn khỏe mạnh, tự đi lại như thuở giờ.

Ở tuổi tám mươi hơn, Ngoại sực nhớ sực quên. Với Ngoại, cái nhớ da diết, cái quên cũng hồn nhiên – như chưa bao giờ nhớ. Ngoại quên thời gian, cái độ dài khá lạnh lùng với những quanh co, uẩn khúc đời mình nhưng lại nhớ những người thân ngay trong từng khoảnh khắc. Đôi khi Ngoại nhắc đến Chị Ba tôi - đứa cháu gái tội nghiệp bên Mỹ với sức khỏe yếu ớt như chỉ mới hôm qua, còn “nóng hổi” những gì thương yêu nhất. Ai ngờ, phút chốc Ngoại như hóa trẻ con. Chủ nhật mỗi tuần Má về thăm Ngoại là Ngoại mừng, kêu cạnh bên chuyện trò. Má tôi cũng như các dì, các cậu kêu Ngoại là “Vú”. Tiếng “Vú” thay tiếng “Mẹ” nhưng vẫn ngọt ngào, đầm ấm những thương yêu!

Trong các loài hoa, Ngoại thích nhất là hoa salem tím. Có lẽ, như thể màu tím cùng với loài hoa bình dị giản đơn đã gán cho những chờ, những đợi, những hẹn hò gió trúc mưa mai, một trưa nặng nề da diết, cay đắng nỗi niềm biệt ly sầu, Ngoại như đã “chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi chơi xa”, Ngoại bảo: “Mấy con ở nhà bảo trọng” như cung đàn long phím chùng dây. Khúc Nam ai tấu cả nỗi lòng… Chiều, con đội tang Ngoại mà nghẹn ngào nhớ nhớ thương thương! Một chuyến đi chơi của Ngoại xa xôi, vô tận…

Mới hồi Tết, rộn rã hân hoan giữa sắc thắm mai đào, mọi người trong nhà cầm chiếc bao lì xì mừng tuổi Ngoại. Xuân chưa kịp tàn hạ đã thay màu phượng đỏ, ấy vậy mà bốn tháng sau, tôi lại đặt bút viết về Ngoại. Học giáo lý Phật, cố gắng thấm nhuần cái triết lý vô thường, vô ngã kia, nhưng sao đứng trước sự thật này, cái khoảng cách mong manh, bất chợt giữa sinh – tử vẫn khiến cả nhà thất thần, hụt hẫng và đau đớn...

Cả cuộc đời Ngoại lận đận, gian truân… Câu nói đó con như nhắc lại. Bởi, một mặc định của phận người: Người con gái, người làm mẹ, người làm bà bao giờ luôn gánh nặng cuộc đời của kiếp nhân sinh. Đêm, con chợt nhớ vở cải lương “Nắng sớm mưa chiều” mà con đã được nghe cùng Má, có đoạn cô Bạch Tuyết ngân nga lời thơ: “À ơi! Con chim se sẻ, nó đẻ cột đình. Bà Ngoại đẻ Má, Má đẻ mình em biết không?” rưng rưng đêm nay và những đêm sau nữa. Trong suốt hành trình sự sống còn tiếp tục trong con, con luôn nhớ về Ngoại – người bà kính yêu của con! Ngoại ơi, Ngoại ơi, Ngoại của con ơi!

Ngày 31 tháng 05 năm 2014
( Mồng 3 tháng 5 Giáp Ngọ )