Năm 1969, Má mang thai chín tháng mười ngày và đã sanh ra Chị Ba vào ngày 09 tháng 11. Những năm đó, đất nước còn chiến tranh, vì thế tuổi thơ Chị Ba gắn liền những khổ cực, gian truân. Chị Ba cùng Chị Hai phụ Má bán cái này, cái nọ để kiếm sống qua ngày. Lúc đó khổ lắm, nhà lại nghèo, thỉnh thoảng nghe Má kể lại có bữa phải nhịn đói hoặc lấy giấc ngủ để mà hằn quên cái đói. Ngon lắm là những bữa cả nhà dùng cơm cùng mắm kho quẹc hoặc là với bo bo. Khoảng thời gian bán chè, Chị Ba lại phụ Má. Có bữa bán chè ế, cả nhà lại ăn chè thay cơm, nhất là những khi trời mưa giông gió. Ấy vậy mà Chị Ba vẫn lớn khôn, học hành chăm chỉ, tính nết lại dịu dàng, thùy mị, lời lẽ thì ngọt ngào như những thỏi kẹo mà tuổi thơ ai cũng thích! Lớn lên, mọi việc trong nhà như giặt giũ, nấu cơm, rửa chén... đều một tay Chị Ba làm đến nỗi chân tay Chị Ba bị nước ăn, nứt nẻ nhiều đường. Chiếc áo trắng tôi đi học hàng ngày từ thuở nhỏ đều do Chị Ba ủi. Đôi tay Chị Ba như gắn liền mỗi một khoảnh khắc, mỗi một giây phút tôi hiện hữu bên bạn bè, trường lớp. Lớn lên, Chị Ba luôn chăm lo cho tôi như thời còn bé. Tôi nhớ một lần về Vĩnh Long trong dịp hỏi cưới của người anh bà con, đoạn qua những con đường nham nhở, đôi giày tây của tôi đã dính đầy sình bùn bởi một trận mưa to trước đó, khi về đến nhà, Chị Ba đã bảo cùng tôi: "Để đó Chị Ba lau cho!". Đôi giày đó cũng chính là đôi giày tây đầu tiên trong đời tôi bâng khuâng vào đời, mà quý nhất, đó chính là... Chị Ba mua cho!
Thương Chị Ba lắm! Ngay từ nhỏ, tôi đã nhận được tình thương ấm cúng từ Chị Ba. Nghe Má kể lại, lúc nhỏ tôi có lần bệnh rất nặng phải nằm viện. Thương em, ngay từ lúc chở vào bệnh viện, Chị Ba đã lén chạy theo vào bệnh viện cùng tôi. Vào bệnh viện, Chị Ba thay Má chăm lo tôi từng chút. Đêm khuya giặt khăn một mình trong bệnh viện dưới ánh đèn le lói, Chị Ba không ngần ngại, không sợ sệt. Bởi, ai cũng bảo trong bệnh viện hồi đó luôn có những thứ ấy. Chị Ba chỉ biết làm trong khi phòng bệnh và nơi giặt giũ vắng tanh cùng cái nền trắng toát của bệnh viện gợi cảm giác lạnh lẽo và ớn lạnh. Có lẽ là tình thương của Chị Ba và với tình thương đó, cũng đủ để thương, để kính mến, để quý yêu Chị Ba suốt cả đời sâu thẳm trong tôi. Không những lo cho tôi, Chị Ba còn lo cho em tôi, lo cho cả nhà bằng chính sức lao động của Chị Ba từ thời con gái. Khoảng thời gian Chị Ba đi bán ở nhà sách, làm nhân viên ở công viên Đầm Sen, mỗi tháng lãnh lương, Chị Ba luôn cho chúng tôi tiền tiêu vặt. Từ cái bánh đến quyển tập, chiếc áo trắng mỗi khi tựu trường, Chị Ba cùng Má chăm lo mà không hề thở than, mệt mỏi. Rồi khi lập gia đình và định cư tại Mỹ, Chị Ba cùng Anh Ba cùng lo cho gia đình, những khoản tiền vui, những món quà khi xuân về tết đến.
"Được cái này thì mất cái kia" như quy luật muôn đời của vũ trụ, Đẹp người, đẹp nết, Chị Ba vuông tròn mọi lẽ thì bù lại, sức khỏe của Chị Ba không khỏe như mọi người, Chị Ba vẫn bệnh hoài. Mỗi khi Chị Ba gọi điện thoại về nhà, nghe giọng nói yếu ớt là biết Chị Ba không khỏe. Những lúc đó, tự dưng tôi buồn thật nhiều! Và Má tôi đôi khi lại khóc. Khóc cho đứa con gái ngàn dặm xa xôi như cành liễu mỏng manh trước gió, như khóm cúc ngỡ ngàng tê buốt mỗi khi tiết đông chợt đến. Và khi ấy, tôi chỉ biết nguyện cầu Phật Trời phù hộ cho Chị Ba!
Chị Ba qua Mỹ cũng đã hơn mười năm. Mười năm dài là tiếng cười, giọng nói khẽ khàng qua điện thoại. Mười năm dài là dáng hình Chị Ba qua những bức ảnh gửi về từ phương xa. Thời gian càng trôi, tuổi đời Chị Ba càng chồng chất. "Nhan sắc thời gian" đã làm cho Chị tôi già dặn hơn xưa nhưng đối với tôi, Chị Ba vẫn luôn đẹp. Đẹp từ nét môi son ngày Chị Ba xuất giá, đẹp từ thân dáng mảnh mai, giản dị với chiếc cặp cầm tay ngày Chị Ba nơi phi trường. Ước gì thời gian ngày ấy như một thước phim, chỉ cần một cái click chuột... Chị em tay trong tay cùng nhau vào nhà sách, siêu thị. Đêm về cùng cả nhà sum tụ trước chiếc ti vi, ngọt ngào da diết câu vọng cổ: "tiếng hát ấy đi trong tim, đi vào máu thịt... tiếng hát ấy chỉ có một, không thể có hai, tiếng hát ấy chỉ thuộc về nàng..." là Chị Ba cùng câu ca "Chuyện tình T.T.Kh".
Có rất nhiều điều không thể nào thốt lên thành lời, viết ra thành chữ cũng như tấm lòng thương yêu của Chị Ba đối với mọi người không thể nào đếm được. Tôi chỉ mong muốn Chị Ba luôn gặp điều tốt đẹp, luôn khỏe mạnh bình an, sống hạnh phúc cùng Anh Ba và Bé An và cô đọng lại vẫn là đôi dòng chữ "thương nhớ vô vàn", Chị Ba Dương Kim Thủy của tôi!
Ngày 07 tháng 11 năm 2012
Năm 1969, Má mang thai chín tháng mười ngày và đã sanh ra Chị Ba vào ngày 09 tháng 11. Những năm đó, đất nước còn chiến tranh, vì thế tuổi thơ Chị Ba gắn liền những khổ cực, gian truân. Chị Ba cùng Chị Hai phụ Má bán cái này, cái nọ để kiếm sống qua ngày. Lúc đó khổ lắm, nhà lại nghèo, thỉnh thoảng nghe Má kể lại có bữa phải nhịn đói hoặc lấy giấc ngủ để mà hằn quên cái đói. Ngon lắm là những bữa cả nhà dùng cơm cùng mắm kho quẹc hoặc là với bo bo. Khoảng thời gian bán chè, Chị Ba lại phụ Má. Có bữa bán chè ế, cả nhà lại ăn chè thay cơm, nhất là những khi trời mưa giông gió. Ấy vậy mà Chị Ba vẫn lớn khôn, học hành chăm chỉ, tính nết lại dịu dàng, thùy mị, lời lẽ thì ngọt ngào như những thỏi kẹo mà tuổi thơ ai cũng thích! Lớn lên, mọi việc trong nhà như giặt giũ, nấu cơm, rửa chén... đều một tay Chị Ba làm đến nỗi chân tay Chị Ba bị nước ăn, nứt nẻ nhiều đường. Chiếc áo trắng tôi đi học hàng ngày từ thuở nhỏ đều do Chị Ba ủi. Đôi tay Chị Ba như gắn liền mỗi một khoảnh khắc, mỗi một giây phút tôi hiện hữu bên bạn bè, trường lớp. Lớn lên, Chị Ba luôn chăm lo cho tôi như thời còn bé. Tôi nhớ một lần về Vĩnh Long trong dịp hỏi cưới của người anh bà con, đoạn qua những con đường nham nhở, đôi giày tây của tôi đã dính đầy sình bùn bởi một trận mưa to trước đó, khi về đến nhà, Chị Ba đã bảo cùng tôi: "Để đó Chị Ba lau cho!". Đôi giày đó cũng chính là đôi giày tây đầu tiên trong đời tôi bâng khuâng vào đời, mà quý nhất, đó chính là... Chị Ba mua cho!
Thương Chị Ba lắm! Ngay từ nhỏ, tôi đã nhận được tình thương ấm cúng từ Chị Ba. Nghe Má kể lại, lúc nhỏ tôi có lần bệnh rất nặng phải nằm viện. Thương em, ngay từ lúc chở vào bệnh viện, Chị Ba đã lén chạy theo vào bệnh viện cùng tôi. Vào bệnh viện, Chị Ba thay Má chăm lo tôi từng chút. Đêm khuya giặt khăn một mình trong bệnh viện dưới ánh đèn le lói, Chị Ba không ngần ngại, không sợ sệt. Bởi, ai cũng bảo trong bệnh viện hồi đó luôn có những thứ ấy. Chị Ba chỉ biết làm trong khi phòng bệnh và nơi giặt giũ vắng tanh cùng cái nền trắng toát của bệnh viện gợi cảm giác lạnh lẽo và ớn lạnh. Có lẽ là tình thương của Chị Ba và với tình thương đó, cũng đủ để thương, để kính mến, để quý yêu Chị Ba suốt cả đời sâu thẳm trong tôi. Không những lo cho tôi, Chị Ba còn lo cho em tôi, lo cho cả nhà bằng chính sức lao động của Chị Ba từ thời con gái. Khoảng thời gian Chị Ba đi bán ở nhà sách, làm nhân viên ở công viên Đầm Sen, mỗi tháng lãnh lương, Chị Ba luôn cho chúng tôi tiền tiêu vặt. Từ cái bánh đến quyển tập, chiếc áo trắng mỗi khi tựu trường, Chị Ba cùng Má chăm lo mà không hề thở than, mệt mỏi. Rồi khi lập gia đình và định cư tại Mỹ, Chị Ba cùng Anh Ba cùng lo cho gia đình, những khoản tiền vui, những món quà khi xuân về tết đến.
"Được cái này thì mất cái kia" như quy luật muôn đời của vũ trụ, Đẹp người, đẹp nết, Chị Ba vuông tròn mọi lẽ thì bù lại, sức khỏe của Chị Ba không khỏe như mọi người, Chị Ba vẫn bệnh hoài. Mỗi khi Chị Ba gọi điện thoại về nhà, nghe giọng nói yếu ớt là biết Chị Ba không khỏe. Những lúc đó, tự dưng tôi buồn thật nhiều! Và Má tôi đôi khi lại khóc. Khóc cho đứa con gái ngàn dặm xa xôi như cành liễu mỏng manh trước gió, như khóm cúc ngỡ ngàng tê buốt mỗi khi tiết đông chợt đến. Và khi ấy, tôi chỉ biết nguyện cầu Phật Trời phù hộ cho Chị Ba!
Chị Ba qua Mỹ cũng đã hơn mười năm. Mười năm dài là tiếng cười, giọng nói khẽ khàng qua điện thoại. Mười năm dài là dáng hình Chị Ba qua những bức ảnh gửi về từ phương xa. Thời gian càng trôi, tuổi đời Chị Ba càng chồng chất. "Nhan sắc thời gian" đã làm cho Chị tôi già dặn hơn xưa nhưng đối với tôi, Chị Ba vẫn luôn đẹp. Đẹp từ nét môi son ngày Chị Ba xuất giá, đẹp từ thân dáng mảnh mai, giản dị với chiếc cặp cầm tay ngày Chị Ba nơi phi trường. Ước gì thời gian ngày ấy như một thước phim, chỉ cần một cái click chuột... Chị em tay trong tay cùng nhau vào nhà sách, siêu thị. Đêm về cùng cả nhà sum tụ trước chiếc ti vi, ngọt ngào da diết câu vọng cổ: "tiếng hát ấy đi trong tim, đi vào máu thịt... tiếng hát ấy chỉ có một, không thể có hai, tiếng hát ấy chỉ thuộc về nàng..." là Chị Ba cùng câu ca "Chuyện tình T.T.Kh".
Có rất nhiều điều không thể nào thốt lên thành lời, viết ra thành chữ cũng như tấm lòng thương yêu của Chị Ba đối với mọi người không thể nào đếm được. Tôi chỉ mong muốn Chị Ba luôn gặp điều tốt đẹp, luôn khỏe mạnh bình an, sống hạnh phúc cùng Anh Ba và Bé An và cô đọng lại vẫn là đôi dòng chữ "thương nhớ vô vàn", Chị Ba Dương Kim Thủy của tôi!
Ngày 07 tháng 11 năm 2012