CHUYỆN NGÀY XƯA CỦA MÁ

Má tôi... sinh ra và lớn lên là một thiếu nữ đất Sài Gòn xưa. Hơn sáu mươi năm trôi qua giờ đã là một bà mẹ già để rồi thi thoảng những trưa hè hay những đêm dầm dề cơn mưa, tôi đã được nghe kể chuyện ngày xưa về Má...


Má được ông bà Ngoại sinh ra trong một gia đình bình thường với mức sống đủ ăn ngày hai bữa. Ông bà Ngoại không chỉ có riêng mỗi mình Má mà còn có thêm rất nhiều các dì và các cậu nên tự khắc... Má là con gái lớn trong gia đình. Thế là tình thương mặc định sẻ chia, mọi lao động vật chất đương nhiên Má cũng gánh vác đôi phần. Ngày một ngày hai, Má lớn lên cùng với công việc tưởng chừng nhỏ ngặt giản đơn nhưng nếu nhẹ nhàng nghĩ suy thì đó là cả một quãng đời hy sinh từ thuở còn thơ.

Ngày đi học, không như những trường làng rợp bóng những tán cây xanh, ngày hai bữa có khi Má phải lặn lội ra tới những ngôi trường ngoài miệt quận 1 hiện giờ... trường Đồng Khởi rồi trường Gia Long xưa. Tưởng chừng quá đỗi khó khăn nhưng chữ nghĩa ở đời Má vô vàn thấu nhận.

Lớn lên rồi, Má gặp Ba là người trai miệt Long An. Kết hôn ngỡ rằng muôn đời là hạnh phúc theo con thuyền tình mãi lững lờ êm trôi trên bến sông xanh. Thế nhưng không là như vậy! Hôn nhân không hẳn là mĩ mãn mà đôi khi luôn có những trái đắng đau lòng. Má vẫn chịu đựng hy sinh, vì những đứa con của Má, khi ấy chỉ có chị Hai và chị Ba.

Lấy chồng, Má vẫn phải bươn chảy cuộc sống như "thân cò" trong bài thơ "Thương vợ" mà năm lớp 9 tôi đã được học, được làm quen... "Quanh năm buôn bán ở mom sông - Nuôi đủ năm con với một chồng". Cái mom sông với đôi đòn gánh chồng con là hàng chè, quán cà phê mỗi ngày, từ sáng sớm đến tận chiều hôm. Gặp mùa nắng không sao! Nhưng khi mưa về, hàng chè im lìm vắng khách, thế là cả gia đình cùng thưởng thức chè thay cơm.


Những khi con của Má bệnh, nhất là tôi và chị Ba, Má lại toan tận đáy lòng. Ai thương con bằng mẹ bởi chỉ cón mẹ nặng gánh mang thai, khổ nhọc chín tháng mười này, khi con đau đớn làm sao chịu nổi? Bán chè ế phải ăn chè, nuôi con ở bệnh viện phải ăn bánh giò thay cơm. Bởi, cũng lẽ thường tình, khi con của Má đau cũng là lúc nhà thiếu thốn, một bữa cơm mắc hơn rất nhiều một chiếc bánh giò bán dạo mỗi đêm. Lẽ vì thế, mỗi khi nhắc lại, Má nhớ liền hình ảnh... chiếc bánh giò ngày xưa.

Có chồng, có con, Má vẫn một lòng lo cho gia đình, cho ông bà Ngoại và cho cả các dì các cậu. Ngày ông Ngoại mất đúng ngay ngày Đức Phật nhập niết bàn ( mồng 8 tháng Chạp âm lịch ), Má khóc thật nhiều và luôn cầu mong ông Ngoại linh thiêng phù hộ cho tất cả những người thân trong gia đình. Mỗi năm ngày tảo mộ, Má vẫn chỉ mong một ước nguyện là thế!!!

Chuyện ngày xưa của Má theo thời gian cũng đã là quá khứ, còn rất nhiều chẳng thể nào theo nỗi niềm trào tuôn ra, theo dòng đời cũng đã là mái tóc điểm màu sương, da nhăn tay yếu. Một ngày kỉ niệm theo về chợt nhận ra chuyện ngày xưa của Má cũng là một phần xương máu trong tôi...

Ngày 06 tháng 08 năm 2010