NGÔI TRƯỜNG DẤU YÊU

Một đêm tháng 10.2009, tôi chở Má đi chợ tại siêu thị Co.op Mart Phú Lâm. Đứng trước cổng siêu thị chờ Má mua hàng bên trong, ít phút... tôi ngước sang ngắm nhìn ngôi trường bên cạnh. Ngôi trường ngày xưa áo trắng một thuở, chan chứa nghĩa tình Thầy trò cũng như vun đắp kỉ niệm bè bạn dấu yêu! Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi...

a0c4[2] by you.

Ngắm nhìn dưới màn đêm, loe lóe ánh đèn, cảnh vật không rõ lắm! Thế nhưng, nhận ra lòng dường như trào dâng một xúc cảm là lạ! Phải chăng sự đổi thay của ngôi trường sau nhiều năm nhìn lại, bề thế hơn xưa, khang trang hơn xưa so với những năm cắp sách. Hay chính là kỉ niệm chợt nhớ như hiển hiện tận tâm hồn của một cậu học trò năm cũ, lắng đọng cảm xúc đã qua để mà thiết tha hòai mong quá khứ... mực xanh, áo trắng cùng phượng hồng, cặp sách trên tay!

Tôi học tại trường chính thức vào cuối tháng 8.1997, từ sau ngày tôi cũng như rất nhiều bạn vào trường xem kết quả Tuyển sinh lớp 10. Tôi nhớ năm ấy trường lấy điểm chuẩn là 11,75 cho hai môn Văn, Tóan. Và khi ấy... như một chút tự hào, hãnh diện, phiếu báo điểm tôi đạt đến 16, vui mừng khôn siết! Thủ tục nhập học, tôi chọn học tại lớp thường, không thi vào lớp chuyên. Cơ duyên... chính tại lớp thường, tôi đã quen được những đứa bạn để rồi "sở hữu" một tình bạn chân thành thiết tha! Mười hai năm trôi qua, tuy không còn đông đúc và sung sức như ngày đầu, thay vào đó là những phút da diết, lặng sâu của cái tuổi "ngày mỗi lớn" nhưng những cái tên luôn cố gắng tạo nên một "cổ tích tình bạn" mãi không phai!!!!

Vào học, hàng ngày tôi vẫn thường đi bộ đến trường. Con đường không lá me bay, không hoa điệp vàng rụng rơi nhưng dường như đã thổi hồn vào người học trò hăng hái, hồn nhiên, mong mỗi ngày đến lớp, đó đây là Thầy Cô, là bè bạn với chút vui tươi, hờn giận... Ở hai đầu "trường" và "nhà" chỉ cách nhau một cây cầu Ông Buông, một con đường Hùng Vương, tôi dạo bước... chỉ chừng 10 phút. Thanh thản từng nhịp chân, trống trường giục thúc, nhanh chân hối hả vào lớp, không truy bài thì cũng là tán gẫu nhanh cùng bè bạn. Ngày một ngày hai, tùng... tùng... tùng... tiếng trống trường nhẹ nhàng đi vào tâm trí. Một ngày trống giục mấy lần như một cảm thức tâm linh hòa quyện vào đó là tiếng Thầy Cô giảng bài, tiếng í ớ học trò trong mỗi buổi chơi. Một ngày bâng khuâng khi thanh âm trống giục không còn, đấy cũng là lúc kì thi vào đời hiển hiện. Cuộc gặp gỡ tình cờ với trường lớp, với cây phượng già, với bè bạn, với Thầy Cô... thóang chốc vội xa.

Xa rời tiếng trống là xa cả một thời áo trắng. Xa rồi mãi nhớ căn phòng hai lối vào với những ô cửa sổ gỗ đã nghe mùi cũ kĩ, màu vôi tường cũng đã thâm quần vết ố, chiếc bảng đen được xây bằng ximăng quét sơn lấm tấm vài mảng trốc nhỏ, chiếc bàn chân khập khiễng phải đệm phải kê. Cũng phải thôi! Qua bao thế hệ học trò, đồ vật cũng dần dần "có tuổi". Hai năm đầu cấp với những kỉ vật của "những thời áo trắng xưa"...

Năm lớp 12, chút đảo ngược... "người thêm tuổi" song hành với đồ vật mới toanh. Từ phòng học đến bàn ghế, tất cả đều mới, như để bù lại bút tích sau cùng của một thời áo trắng ngây ngô. Căn phòng của dãy phòng học mới, cửa kiếng, bảng gỗ... như một phép màu "thay da lột xác" dãy phòng học cũ trước khia. Dãy phòng học cũ... thóang nhớ ngày đầu tiên tôi vào trường gặp gỡ ba cô bạn gái Tiểu Vi, Hạnh Nguyên, Hòang Trang mà như có chút e thẹn, ngại ngùng của một thằng con trai, không phài vì còn xa lạ mà là còn chuyện... con gái con trai. Tại một phòng học cũ, bốn đứa chúi đầu cùng vẽ cờ Đòan; ngòai cửa phòng, trời cũng gần chiều pha chút vàng của một ngày thu nhạt nắng. Kỉ niệm là thế! Nơi gặp gỡ là đây. Rồi... người cũ vẫn đây nhưng nơi gặp cũ không còn. Trong năm, dãy phòng học cũ đã được đập bỏ để xây mới. Ngẫm nghĩ... thóang đó, thấy đó và cũng thay đổi là đó!

Đổi thay, sau hai năm, trường khang trang hơn! Không còn cảnh chiều mưa tan học, thầy cùng trò xăn quần, lột giày vớ, bạn gái thì áo dài thắt cục trước cục sau, tất cả cùng nhau chân trần lội nước; và cũng không còn cảnh người đứng nhìn ba bề bể nước chơi vơi giữa sân như một bán đảo trong bài học Địa Lý. Trường xây mới một phần cùng với bụi tre, tượng cụ Mạc giữa sân như một khỏanh khắc gởi vào tâm trí người chuẩn bị ra đi khi "sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" mà mãi không của "người ra đi đầu không ngỏanh lại". Vẫn mãi nhớ như một cổng trường hay một mái đình vươn lên khi đã là thời đại tuổi bốn mươi!

Nhớ lắm những lần tung tăng đùa giỡn trên sân, dưới gốc phượng già, chiếc cầu nghiêng nghiêng chao lượn, đôi chân bạn nhịp nhàng mỗi khi cầu sang. Rồi phượng già đỏ rực góc sân, man mác nỗi buổn qua khung cửa kiếng. Ngồi trên lớp, lắng nghe lời Thầy Cô giảng mà chợt  nhớ những tiết giảng đã qua cũng như ngồi cạnh bạn hôm nay mà lưu luyến khi nghĩ đến ngày mai không gần bạn. Giờ Thể Dục, xuống sân muộn rồi, bâng quơ đôi tay theo điệu nhạc để khi nhạc tắt như tắt cả câu ca thời áo trắng, nghĩ ngợi trôi theo dòng đời như những chiếc lá rụng rơi theo mùa thu...

Và... tôi nhớ nhất khán đài dưới sân! Mỗi sáng Thứ Hai chào cờ mà lâng lâng bao xúc cảm. Kỉ niệm 20.11 thấy đó là Tiểu Vi, Hạnh Nguyên, Hòang Trang, Thanh Thủy, Bảo Hạnh, Kim Phụng với câu ca "Một thời để nhớ". Ngày cắm trại Xuân, rơi rớt nỗi lòng đọng trên bờ mi cũng tại khán đài này. Tích tắc, ùa đùa tất cả lên đây... một tấm ảnh lưu niệm cho quãng đời tình bạn có nhau. Ngày đầu vào trường ngỡ ngàng là "em út", ngày ra trường, bâng khuâng bùi ngùi khi là "anh cả" trong vòng chớp mắt chỉ là ba năm. Thời gian trôi đã trở thành Miền nhớ! Ngôi trường dấu yêu, "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" lặng lẽ một ngày vội xa...

BONUS:

Thương Thầy tặng Cô hoa tươi thắm
Hai mươi tháng mười một... mãi trong em!

Ngày 03 tháng 11 năm 2009