"MẸ" - HUYỀN THOẠI SÂN KHẤU, TỪ NAY ĐÃ THÔI "SẦU"


"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời
Mẹ hiền ru những câu xa vời..."

Chiều, miên man nơi góc phòng, tôi có dịp ngắm nhìn lại "công trình" sưu tập của chính mình- gần trăm cuốn băng casset cải lương. Ở đó, tôi lại gặp lại hình ảnh người mẹ mang nỗi đoạn trường theo từng tiếng gõ nhịp song loan: "Hồi đó chờ mình mỏi mòn, được lệnh tản cư tôi phải dắt con xuống miệt Trà Vinh, lúc hồi cư tôi trở về ở gian nhà cũ mấy năm, không có mình, tôi buồn tôi khổ! Từ con đường mòn nhỏ đến cầu ván dưới sông, làm cho tôi càng thương càng nhớ hình dáng của mình! Chợt da diết, nao lòng đến rơi nước mắt cùng khúc "Tuyệt tình ca" cùng giọng hát "Sầu nữ".

Đếm theo từng ngón tay kỷ vật đi cùng năm tháng, còn là "Con gái chị Hằng", "Tấm lòng của biển", "Nắng sớm mưa chiều", "Mùa thu lá bay"... Qua cái mốc 30 tuổi, tôi đã thu xếp lại cuộc đời mình, ngắm nhìn nhiều hơn nghe. Nhưng trong tôi, giọng hát "Sầu nữ" cùng hình ảnh người mẹ, tôi không bao giờ quên! Nhất là đối với "công trình" sưu tập này!

Bất giác, lần mò theo bàn phím vi tính, một cái click chuột, trang Youtube hiện ra. Không chỉ nghe, tôi còn được ngắm nhìn "Sầu nữ". Bài tân cổ "Biển của riêng em" được ghi hình cũng đã chục năm trong chương trình "Tự tình quê hương". "Con ơi cứ mỗi độ thu sang nhìn chiếc lá vàng bay mà mẹ không ngăn dòng lệ thảm. Bởi nhớ thương về quê ngoại. Nơi ấy, năm xưa cũng có bà mẹ già tần tảo, hôm sớm trên vai quằn nặng gánh gia đình..." Thương, tự hào qua giọng hát, dáng hình "Sầu nữ" và "Cải lương chi bảo" Bạch Tuyết. Trầm ấm, sang trọng biết bao!



Nghệ sĩ tồn tại bằng tác phẩm, giọng hát thăng hoa theo cảm xúc, điểm tô hình tượng người mẹ càng đẹp hơn trong nghệ thuật. Bước ra cuộc sống, có thể có người vô tâm, hững hờ; nhưng... cũng có thể, có người nặng tình cùng câu ca tiếng hát, cung đàn điệu nhớ, để hiếu kính với mẹ cha nhiều hơn, lâng lâng chữ hiếu mãi tạc dạ. Thế đấy, âm nhạc ngũ cung hò - xự - xang - liu - cống chuyên chở nỗi niềm, tâm hồn sống đẹp của người con đất Việt. Trăm năm trong cõi người ta... khó ai mà thay thế được "Sầu nữ"!

Và rồi thanh âm đã thôi vang, giọng hát từ nay đã thôi sầu. Sáng qua lướt cùng trang báo, tôi biết tin "Sầu nữ" đã ra đi. Chuyến đi an nhiên tự tại về miền đất Phật. Tác phẩm lưu danh vẫn còn đây nhưng cảm giác mất mát hụt hẫng không riêng tôi mà còn rất nhiều người yêu kính, thần tượng "Sầu nữ". Đời ca nữ như con gió chiều, lặng lẽ thổi và lặng lẽ qua đi...

Vĩnh biệt "Sầu nữ" - Ngoại Út Bạch Lan, người nghệ sĩ mà tôi kính yêu!

Một ngày mưa…