Tôi mê cải lương từ nhỏ. Mê âm nhạc ngũ cung, hò sự xang liu cống. Mê những nghệ sĩ với vai diễn huyền thoại từ những vở tuồng bất tử, sống cùng năm tháng. Và đằng sau là cả một công trình nghiên cứu học thuật, không ranh giới, không khoảng cách, quyện hồn nghệ sĩ hòa vào hồn dân tộc giữa dòng chảy bất tận của văn hóa - nghệ thuật.
Lắm lúc, tôi thích nghe Ông trò chuyện. Từ những chương trình phát sóng trên ti vi, trong những cuộc đối thoại văn hóa mà ở tầm nhận thức nhỏ bé của tôi chỉ biết gói gọn: thật hay, thật súc tích nhưng lại tràn đầy sức hút...
Tôi chợt nhớ đến chương trình "Tự tình quê hương" về "Cải lương chi bảo Bạch Tuyết" cách nay đã hơn năm năm. Lúc đó, trông Ông thật khỏe. Ông kể về cô Bạch Tuyết trên sân khấu diễn tả mỗi động tác đều đẹp hài hòa như một bức họa, nhưng điều giáo sư tâm đắc nhất chính là chữ “tâm” của người nghệ sĩ. Và theo như cô Bạch Tuyết: "Ông trở thành nghệ sĩ của tôi. Tôi mới là khán giả của ông." Một sự hòa quyện giữa đời thường, nhẹ nhàng như cuộc đời đến và đi.
“Thoáng dư âm nghe rung cảm tâm tư, hồn nghệ sĩ đã hòa vào hồn dân tộc.
Kể từ đó trong vườn hoa âm nhạc, mà ta nay so dây dạo lại cung đàn
Trỗi bài dù hò xự xê xang
Trăng thu dạ khúc hỡi bạn vàng tri âm...”
(Trăng thu dạ khúc - Hải Đăng).
Chiều, hay tin Ông ra đi. Vội đọc những trang báo mới hay cảm xúc của bao người dành cho Ông một tình yêu đáng kính! Nguyện Ông ra đi trong trẻo, an nhiên! Vĩnh biệt Ông - Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê. Một tượng đài nghệ thuật, một cây đại thụ văn hóa đất nước "rồng bay".
Ngày 24 tháng 06 năm 2015