TẢN MẠN YÊU TRẺ

Báo chí mấy ngày nay “nóng hổi” với tin tức bé Ngân bốn tuổi bị cha mẹ đánh đập dã man, phần nào đã khơi gợi lòng căm phẫn cho những ai đọc - nghe thấy tin tức, cho những ai yêu trẻ và nhất là cho những bậc cha mẹ “đúng nghĩa”.

Con nít – sự đùa nghịch hồn nhiên như một mặc định cho những năm tháng đầu đời. Vô tư, hiếu động… mỗi một cử chỉ của trẻ, mỗi một phút giây, chúng ta cần quan sát, tìm hiểu và yêu thương cho những bước phát triển của trẻ. Trẻ nghịch ngợm, đôi khi chúng ta gán cho trẻ một chữ “lì”. Từ “khái niệm” bất chợt này, nếu biết suy nghĩ, ta càng phải yêu trẻ nhiều hơn. Yêu ở đây không là chìu chuộng mà là cần nhỏ nhẹ khuyên trẻ đây là những điều không hay, không nên làm, sẽ gây đau, không tốt cho con… Thế mà ngược lại, những hành động vung tay vung chân trong phút thiếu bình tĩnh, không kiềm chế. Hậu quả, con trẻ tím bầm khắp người, người được gọi là cha, là mẹ gánh lấy tù tội.

Nhìn những hình ảnh đáng thương của bé Ngân, không ai không khỏi đau lòng, như có chút gì quặn thắt trong tâm. Giận người làm cha, làm mẹ sao nỡ đành lòng như thế. Nhìn bé Ngân, thoắt, tôi lại ngoảnh nhìn lại bao đứa trẻ khác cũng như hình ảnh của chính mình. Ba mươi hai tuổi đời, tôi may mắn có một tình thương vô bờ bến của gia đình. Má tôi ngày ngày lo cho tôi y như thuở còn thơ. Mỗi buổi đi làm, trời đổ cơn mưa, Má vội vàng lấy áo mưa cho tôi mặc vào. Tối làm về, Má hâm nóng thức ăn cho thằng con trai dùng bữa. Chứng viêm họng hành hạ tôi mấy chục năm nay là cả đoạn đường Má lo âu trăn trở. Ngày, tôi vào bệnh viện là Má luôn cạnh bên. Anh ở cùng phòng bệnh viện chọc vui: “Bệnh nhõng nhẽo”, ấy vậy mà trong tôi là cả một bầu hạnh phúc lan tỏa.

Rồi những đứa trẻ tôi có dịp gặp và chung vui trong dịp tết Trung thu vừa qua… Nhà nghèo nhưng chúng vẫn may mắn hơn bé Ngân. Cơn mưa chiều mười ba âm lịch như trút nước, thế nhưng chúng vẫn được ba mẹ dẫn dắt vui Trung thu tại chùa Pháp Hải – Bình Chánh. Lồng đèn, kẹo bánh… niềm vui trẻ thơ lan tỏa cả khuôn viên chùa và cũng là niềm vui cho mỗi thành viên trong nhóm thiện nguyện Tứ Ân Ca lần đầu được vui cùng trẻ. Bên ngoài, những ánh mắt mẹ cha dõi theo những đứa con yêu, lòng tràn đầy tự hào hãnh diện. Bởi, những đứa con mình bé bổng hồn nhiên, chúng ca hát, vui chơi, chúng lành lặn, khỏe mạnh… là niềm ao ước của chính mình – những bậc làm cha làm mẹ.

Chợt, tôi nhớ đến tiết Giảng văn lớp 6 cách nay đã hơn hai mươi năm. Tôi có dịp hóa thân thành chú chim non trong câu chuyện thần thoại “A Nhi thần lửa”. Lửa cháy khắp cả khu rừng, các mẹ con nhà chim luôn bảo bọc cho nhau tìm đường thoát thân giữa ngọn lửa hung hãn. Hoạt cảnh năm đó, tôi cũng như đám bạn được cô giáo bộ môn hết lòng khen ngợi. Câu chuyện súc tích nhưng thấm đẫm ý nghĩa của sự yêu thương… mẹ con nhà chim.

Chiều nay, khi lần xem lại trang báo Giác Ngộ cùng bài viết “Rộn ràng rước đèn Trung Thu”, thằng em trong nhóm gọi điện: “Anh có nghe tin đứa trẻ bốn tuổi bị ba mẹ đánh ở Bình Dương chưa?” rồi lần bảo: “Lên kế hoạch kêu gọi mọi người đóng góp đi anh, ít nhiều cũng được, rồi cuối tuần tụi mình đem lên cho bé. Bình Dương mà! Cũng gần đây thôi.”  Nôn nao tấc dạ, y như muốn làm một điều gì đó thật nhanh. Lên Facebook, tôi gõ vài chữ kêu gọi, “rủ nhau” làm một việc thiện mà thương thằng em sốt sắn, nhiệt tình. Lại thương một thằng em khác khi mang tâm trạng buồn kể lại cùng tôi hôm Tứ Ân Ca tổ chức Trung thu tại chùa Pháp Hải: “Em nghe Thầy kể có bé mới lọt lòng, chưa cắt rốn đã bị bỏ rơi trước cổng chùa, em buồn nhiều lắm.” Rõ ràng, con trai ít nói nhưng mang một tấm lòng rộng mở, như ước mong tại thời điểm này có nhiều tấm lòng nghĩ đến bé Ngân, giúp bé vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Một mong ước giản dị! Thế thôi.

VUI TRUNG THU TẠI TU VIỆN AN LẠC HẠNH - ĐỒNG NAI:

VUI TRUNG THU TẠI CHÙA PHÁP HẢI - BÌNH CHÁNH:
TRUNG THU, MƯA VÀ NHỮNG NIỀM VUI

Sáng nay trời không nắng gắt, mang về chút mây của ngày mưa. Và cơn mưa chợt đến tầm tã buổi ban chiều. Con đường Quốc Lộ 50 – Hưng Long trở nên dài xa tít. Những đoạn đường còn chút nham nhở đã khiến cả đám ướt như chuột lột. Tuy vậy, với tinh thần thiện nguyện cùng trái tim yêu trẻ, nhóm bạn Tứ Ân Ca mang theo những niềm vui, những phần quà nho nhỏ đã đến trao tặng các em nhỏ mồ côi, được nuôi dưỡng và tu học tại chùa Pháp Hải, huyện Bình Chánh cùng những em nhỏ thuộc gia đình nghèo khó sinh sống gần chùa vào ngày 13 tháng Tám âm lịch.

Băng qua những cánh đồng với khoảng không gần như vô tận, tối mịt của bầu trời, xạc xào với những tán lá cây dọc con đường đê, nhóm đến chùa cũng gần 6 giờ chiều. Thoạt nhìn, ngôi chùa quê vắng lặng những “gương mặt thiên thần”. Đây đó nơi góc bếp chỉ có các sư thầy ngồi làm bánh bao chay, chuẩn bị “thực đơn” cho đêm hội Trung thu vào ngày Rằm tháng Tám do chùa tổ chức, mọi thành viên trong nhóm thoáng chút buồn. Bởi, băng cả đoạn đường dài, ai ai cũng chỉ ước mơ cùng các em nhỏ tay cầm lồng đèn, líu lo câu hát Trung thu, quyện hiện tại cùng quá khứ, trở lại những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên kỷ niệm.

Có lẽ vậy mà trong lời khấn nguyện, sự trùng hợp như hội tụ cùng nhau. Trước chánh điện, những thành viên nguyện cầu Đức Phật trước ban phước lành bình an cho muôn người, nơi nơi hỷ lạc hoan ca, sau là nguyện cơn mưa mau tạnh, để đêm Trung thu sớm trọn vẹn những niềm vui. Một sự mầu nhiệm với những chờ những đợi cùng niềm tin sâu sắc. Khoảng nửa tiếng sau, trời bớt mưa hẳn, những “gương mặt thiên thần” dần dần hiển hiện. Niềm vui lan tỏa cả không gian chùa, lòng thầm cảm ơn Đấng Từ Bi đã phù hộ.

Vẻ mặt rạng rỡ cùng đôi tay thoăn thoắt, các thành viên bắt tay vào việc phân chia quà. Tập, sữa, bánh kẹo… là sự quyên góp quý báu trong gần một tháng mà các bạn nhóm Tứ Ân Ca đã nhận được từ người thân, gia đình và bè bạn. Tất cả một lòng vì trẻ thơ theo như lời ông bà đã từng dạy: “Mày thương con mày lắm phải không? Mày thương con mày, mày muốn con mày sướng, mày phải lo cho con của người ta. Mười phần thương thì con mình năm, con người ta năm. Có như vậy, khi con mình vào đời sẽ được Trời Phật phù hộ, người người yêu thương giúp đỡ, nó sẽ thành đạt và vững bước trên con đường đời.”

Bên trong phòng khách của chùa, nhóm các em nhỏ cũng được “triển khai” trò chơi. Những câu hát tuổi thơ với các “giọng hát nhí” êm đềm, thân thuộc. Một thuở tuổi thơ chợt hiện về trong bao xúc cảm. Chiều mênh mông, con nước lớn, hoa lục bình trôi nổi, gắn liền câu hát “Quê hương” chợt dạ xuyến xao. Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi, để vỗ cánh cho những ước mơ bé bổng đầu đời. Là chiếc đèn lồng lấp lánh đêm thu, là những những gương mặt xinh tươi, hợp lại nhau tựa vầng trăng vàng dẫu cơn mưa vô tình đi qua… “Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh, Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng, dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang.” Khúc ca vang vọng, khuấy động một góc miền quê nghèo nơi chùa Pháp Hải đằm ấm những yêu thương.

Phút trao quà Trung thu cho các em, từng cử chỉ nhẹ nhàng, lễ phép khiến chúng tôi càng thêm yêu thương các em nhiều hơn! Có ai biết rằng đằng sau những tuổi thơ đáng yêu, đang lớn dần với thời gian, không ít những tâm hồn “khởi nguồn” cay đắng. Có em mới lọt lòng, chưa cắt rốn đã bị cha mẹ bỏ rơi nơi cửa chùa. Ngày ngày lớn khôn, sư thầy là cha là mẹ, mái chùa là nhà – một ngôi nhà hỷ xả từ bi. Thằng em trong nhóm đã nghe được những lời bộc bạch của sư thầy, mang tâm trạng buồn kể lại cùng tôi.

Cuộc vui cũng đến lúc dần tan. Tạm biệt chùa Pháp Hải, tạm biệt những gương mặt bé thơ cùng lời chúc Trung thu, chúng tôi trở về nhà khi cơn mưa đã tạnh hẳn. Con đường Quốc Lộ 50 – Hưng Long như không còn xa tít. Trời về đêm càng lạnh nhưng mỗi thành viên trong nhóm như cảm nhận hơi thở hạnh phúc đang phả quanh đây.

“Tứ phương mù mịt
Ân tình không bỏ
Ca hát Trung thu”

Buổi thiện nguyện của nhóm Tứ Ân Ca đọng lại bao điều, trên hết là tình yêu trẻ - những “mầm sống” của ngày mai.

Trung thu 2014. 13 tháng Tám, Giáp Ngọ

Minh Thi – PD Giác Ân.