QUÊ HƯƠNG THÁNG TƯ

Tháng Tư hồng hào… Đơn thuần là nắng trải vàng trên từng góc phố, là sắc thắm cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên bầu trời dân tộc, là những nhịp tim hăng say chào ngày mới cùng bao công việc niềm tin. Đôi khi lắng lòng hồi tưởng quá khứ mà hãnh diện tự hào từng thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập. Nơi có bóng dáng mẹ hiền “cưu mang” bao cuộc đời cách mạng, nửa mảnh khăn rằn choàng vai thấm đẫm không chỉ là mồ hôi ngày một ngày hai cực khổ cực trên nẻo đường đời mà còn là cả bầu nước mắt tiễn chồng tiễn con ra đi trận tuyến, không ngày trở về để vườn tiêu mòn mỏi héo hắt theo dáng người xưa.
Ngày 30 tháng Tư lại đến, thấm thoát vô chừng ấy đã là ba mươi chín năm. Ba mươi chín năm miền Nam thống nhất, rực rỡ cánh mai vàng vui mừng ba mươi chín mùa xuân trong những hy vọng chung riêng mà chan hòa bao nước mắt lẫn niềm tin. 


“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến” 

Một nốt trầm xao xuyến để mãi ngân vang khí thế hào hùng năm cũ cho chất phù sa cuộn theo từng nhựa sống, những mảnh đời hạnh phúc chăm chỉ làm ăn, “trau chuốt” làm dáng chữ nghĩa chữ tình trong tình làng nghĩa xóm. Chiều mênh mông con nước lớn cánh lục bình trôi nổi, trên chiếc xuồng về quê ngoại, ngó đất nhìn trời cùng ánh hoàng hôn bẽng lẽng, ô hay nhận ra: “Cuộc sống này, cuộc đời này thật đẹp xinh!”

Và trong khoảnh khắc bình yên, tuổi thơ như dập dìu trở về Miền Nhớ. Nhớ tiếng vịt chạy đồng sau mỗi mùa gặt. Lúa chín trĩu bông, hạt rơi rụng là thức ăn cho những đàn vịt mập trươu trướu. Tuổi thơ… là câu hát thanh bình xuyên suốt tấm lòng từ người bà, người mẹ vỗ về đứa con, thằng cháu bên giấc ngủ đong đầy ước mơ nhỏ, mai sau khôn lớn đi khắp nước non nhà dựng xây Tổ Quốc quê hương. Đi khắp bốn biển năm châu, trên từng bước chân để mãi gợi nhớ hình ảnh:

“Đò xuôi con nước về làng
Lục bình trôi tím ngút ngàn dừa xanh
Chim non ríu rít chuyền cành
Trái cây chín rộ trên cành quê hương.”

Da diết thiết tha, quê hương là tiếng gọi đầu nôi, đánh vần hai từ “trung hiếu” cũng xuất phát từ hình ảnh quê hương yêu dấu. Tích Vân Tiên cứu Nguyệt Nga hay khúc đoạn trường Kiều giã biệt Kim Lang là nét đẹp tâm hồn trong mỗi người con đất Việt. Lòng thủy chung son sắc, nợ nước gánh nặng trên vai là những giai thoại truyền kỳ như chiếc gạch nối gắn liền bao thế hệ xưa nay. Trường kỳ kháng chiến “dệt xây” khúc khải hoàn ca tháng Tư là niềm tự hào bất diệt, muôn đời mãi không phai.

Ngày 30 tháng 04 năm 2014